Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Nghệ Thuật Cải Lương Entry for January 19, 2009

Nguồn gốc ra đời Nghệ thuật Cải Lương

Cùng với sự ra đời của tiểu thuyết, kịch nói, thơ mới... sự ra đời Cải lương được xem như là sản phẩm mang tính tất yếu của lịch sử. Nó hình thành từ sự tiếp xúc giữa nền văn hóa nông nghiệp lúa nước và nền văn hóa công nghiệp phương Tây. Nếu như kịch nói có lịch sử lâu đời và nguồn gốc từ phương Tây, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn hóa, của quan điểm thẩm mỹ phương Tây thì sự ra đời của Cải lương đầu thế kỷ XX có nguồn gốc từ nghệ thuật truyền thống dân tộc và sự du nhập lối biên kịch Châu Âu. Yếu tố đầu tiên mang tính cội nguồn của nghệ thuật cải lương là âm nhạc tài tử Nam Bộ.
Những năm đầu thế kỷ XX, vào khoảng năm 1917 có những bậc tiền bối làm nên sân khấu Cải lương như Nguyễn Tống Triều, André Thận, Thầy Năm Tú... Đầu tiên là hình thức ca nhạc tài tử. Thời ấy,Tuồng (Hát bội) không còn giữ vị trí độc tôn trong thưởng thức nghệ thuật trình diễn của đồng bào miền Nam, nên từ các vùng nông thôn bắt đầu phong trào đờn ca tài tử phục vụ trong các cuộc vui như lễ cưới, lễ hỏi, đám tiệc, đám giỗ... Sau đó là hình thức ca ra bộ. Sự khởi đầu của hình thức này được đánh dấu tại cuộc trình diễn của nhóm ca nhạc tài tử trên sân khấu hộp trong đó có cô Ba Đắc tại Hội chợ thuộc địa tại Pháp. Sau này ca ra bộ phát triển như một trào lưu tại Nam bộ. Tiết mục được trình diễn rất thô sơ trên một bộ ván gõ, diễn viên vừa ca, vừa diễn với điệu bộ, động tác minh họa. Ca ra bộ chính là gạch nối giữa hình thái âm nhạc và hình thái sân khấu. Sau đó nhờ những soạn giả như ông Trương Duy Toản, Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền... viết lại từng mảng các chuyện tích xưa để diễn ca ra bộ, với hình thức đối ca, liên ca rồi kết hợp lại thành những vở tuồng Cải lương đầu tiên như Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều... Cải lương hình thành và phát triển rất mau nhờ những đóng góp của những bậc tài danh như Năm Phỉ, Năm Châu, Trần Hữu Trang, Tư Chơi, Năm Nở, Phùng Há...
Bước đầu hình thành, Cải lương giống như tên gọi cũng chịu ảnh hưởng đủ thứ nghệ thuật (đầu Ngô mình Sở). Tình trạng hỗn độn trong trang phục,hay phong cách diễn vẫn thường xảy ra; chẳng hạn diễn viên đóng Lữ Bố mang giày bốt, đóng Điêu Thuyền mặc áo dài, cột dây ngang lưng, đầu thắt bánh lái, cũng hát đủ kiểu tích Tàu, chuyện Tây. Tuy nhiên, những gì phi nghệ thuật làm mất bản sắc dân tộc dần dần bị đào thải. Nhờ các tác giả có tri thức, có tài năng mà sân khấu cải lương hình thành hai dòng: tuồng Tàu và tuồng Tây mà sau này các nhà nghiên cứu sân khấu khẳng định là Cải lương có hai phương pháp:phương pháp hiện thực tâm lý và phương pháp biểu hiện tả ý.
Trong bối cảnh văn hóa Việt nam đầu thế kỷ,nếu nói hát Bội là loại hình nghệ thuật cũ, Kịch nói là loại hình nghệ thuật mới thì Cải lương lại đứng giữa cái cũ và cái mới. Tính dân tộc qua phương pháp biểu hiện tả ý và tính hiện đại qua phương pháp tả thực tâm lý. Sân khấu Cải lương vừa dân tộc vừa hiện đại là do kết hợp một cách tài tình hai phương pháp hiện thức tâm lý và biểu hiện tả ý.
Đã nói đến sân khấu Cải lương, không thể nào không nói đến bản nhạc "đinh" trong các vở tuồng. Đó là bản vọng cổ. Có người cường điệu "không có bản vọng cổ không thể trở thành một đêm hát cải lương... "Lời khẳng định trên có phần hơi quá đáng, nhưng nghĩ kỹ lại cũng không sai. Tính hấp dẫn của một đêm diễn Cải lương không thể không nói tới sức thu hút kỳ diệu của bản vọng cổ.
Được biết vào năm 1918 ông Cao Văn Lầu đã sáng tác bản Dạ Cổ Hoài Lang, sau này trở thành bản vọng cổ. Dạ Cổ Hoài lang tiền thân của bản vọng cổ đã tạo ra một không khí mới cho nền ca nhạc cổ miền Nam. Từ đó trở đi, bất kỳ trong một vở Cải lương nào, bản vọng cổ vẫn là bản nhạc chủ đạo, thể hiện một cách đa dạng qua tất cả tình huống, trong một vở Cải lương.
Theo nhà nghiên cứu Tuấn Giang dựa theo một số công trình nghiên cứu thì ngoài âm nhạc tài tử Nam bộ ra có một dòng hình thành nên nghệ thuật Cải lương là cải cách nghệ thuật hát Bội .Theo chúng tôi việc làm đó không tránh khỏi khiên cưỡng và áp đặt. Đúng là trong thực tế Cải lương có một số điệu thức phương thức biểu đạt của Tuồng, nhưng nếu chỉ dựa vào đó coi đó là yếu tố hình thành Cải lương là chưa đúng về mặt thực tế và chưa thuyết phục về mặt khoa học. Cũng như có một thời gian dựa vào sự kiện Lý Nguyên Cát bị bắt làm tù binh, dạy múa hát cho người nước Nam mà chúng ta cho rằng nghệ thuật Tuồng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đó là sự ngộ nhận đáng tiếc. Dù Lý Nguyên Cát có tài giỏi đến đâu cũng chỉ góp phần thúc đẩy sự hình thành sân khấu Tuồng được nhanh chóng hơn, chứ không thể nào quyết định việc có hay không của Tuồng. Ở Cải lương cũng vậy. Nếu nói cải cách hát Bội là sự dịch chuyển, đổi mới từ hình thức cũ sang hình thức mới mà không phá bỏ nền móng, mô hình của hát Bội thì ở Cải lương nó đã phá bỏ mô hình hát Bội. Các điệu thức , phương thức biểu đạt của hát Bội có trong Cải lương là một sự thật không ai có thể chối cãi nhưng nó không phải là điệu thức chính. Điệu thức oán, lý và bài vọng cổ mới là điệu thức chính của Cải lương mới là chất men làm say lòng người. Đó là sự khác xa mà các nhà nghiên cứu đã khẳng định. Hay nói chính xác hơn Cải lương đã vay mượn các điệu thức ,các phương thức biểu đạt của Tuồng để làm giàu thêm cho mình và để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của tầng lớp công chúng thị dân mới.
Khẳng định Cải lương không hình thành từ dòng cải cách hát Bội mà từ phong trào đờn ca tài tử Nam Bộ, không những không làm giảm phẩm chất và tổn thương danh giá của nó mà còn trả lại tính khách quan lịch sử cho nó.
Ngay từ lúc mới ra đời Cải lương đã thể hiện tinh thần ái quốc theo kiểu riêng của mình. Tầng lớp trí thức ,tiểu tư sản có nền học vấn Tây học thể hiện lòng yêu nước ,lòng tự tôn dân tộc dưới nhiều hình thức nhiều vẻ. Trong đó nhu cầu giải phóng cá nhân, nhu cầu tự khẳng định mình thóat khỏi sự o ép, quản thúc của xã hội – là một nhu cầu bức bách của giới này. Trào lưu lãng mạn chi phối tất cả các lĩnh vực văn chương, nghệ thuật lúc đó. Thực chất đó là một thái độ một cách phản ứng với xã hội đương thời. Nếu báo chí đầu thế kỷ với Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh đi đầu trong việc tuyên truyền lòng tự tôn dân tộc bằng chữ quốc ngữ; nếu sân khấu kịch nói được nhập vào Việt Nam qua những bản dịch kịch Molie và sản phẩm “nội” đầu tiên là “Chén thuốc độc” (Vũ Đình Long); nếu văn học với “tiểu thuyết mới” với “ Tự lực văn đoàn”, phong trào thơ mới với Tản Đà (cái tôi ngông nghênh được xuất hiện, trưng bày như một nhu cầu của con người thời đại) thì Cải lương thể hiện ái quốc theo cách của mình. Khuynh hướng giải phóng cá nhân được đề cao, và mau chóng trở thành chủ đạo trong toàn bộ công tác biên kịch của nghệ thuật cải lương. Trong tiến trình xã hội Việt Nam nói chung, nghệ thuật sân khấu Việt Nam nói riêng, đặt ra vấn đề giải phóng cá nhân, đề cao cái tôi là một bước tiến, một bước ngoặt. Đó là một mặt của tinh thần dân chủ, là sự đổi mới của hệ suy luận mà ở châu Au ngay từ thế kỷ Khai sáng thế kỷ XVIII đã đề ra. Với một xã hội nông nghiệp lúa nước hàng ngàn năm, với tinh thần truyền thống luôn đề cao cái “ta” – một cái “ta” mang tính trung quân của nho giáo, một cái “ta” mang tính cộng đồng làng xã, thì chuyển sang cái “tôi” cá nhân với bản sắc riêng, một cái “tôi” muốn tự khẳng định, muốn vùng vẫy với tinh thần tự do – lãng mạn là cả một bước ngoặt. Tuồng hát bội đã có một loại nhân vật trung quân: từ tâm tư đến hành động luôn bị đạo trung quân chi phối, và cũng bởi vậy cái con người cá nhân với cái riêng sống động của nó hoàn toàn bị con người theo chất lý tưởng Nho giáo che khuất. Ơ cải lương cái “tôi” đã mang đậm bản sắc rất riêng của con người. Đó là những con người muốn thóat khỏi ràng buộc của lễ giáo, muốn tự giải phóng mình, muốn sống vì tinh yêu, đi theo tiếng gọi của tình yêu mà rũ bỏ công danh, địa vị và đôi khi tự vẫn. “Khi người điên biết hát”, “Nỗi lòng người bếp”, “Tô Anh Nguyệt”, “Đời cô Lựu” và rất nhiều những vở thuộc loại này. Đó là cái “tôi” biết hát vang lên khúc ca tình yêu, biết thổn thức, biết xả thân vì tình yêu, không vì một tư tưởng trung quân nào ràng buộc. Chất lãng mạn, nhu cầu giải phóng cá nhân… là một nhu cầu mang tính thời đại, một nhu cầu có tính tiên tiến đối với con người của văn hóa lúa nước vốn bị “phương thức sản xuất châuA” đã ngàn năm trói buộc. Đó cũng là những vấn đề lớn, là nội dung mà nghệ thuật Cải lương quan tâm thể hiện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Những vấn đề lịch sử văn học kịch nữa đầu thế kỷ XX – Phan Trọng Thưởng
- Năm mươi năm mê hát – Vương Hồng Sển
- Ca nhạc và cải lương – Tuấn Giang
- Phong cách và thi pháp nghệ thuật cải lương – Hà Văn Cầu
- Bước đầu tìm hiểu nghệ thuật cải lương – Sĩ Tiến
- Bước đầu tìm hiểu lịch sử kịch nói trước CMT8- Phan Kế Hoành - Huỳnh Lý
- Nghệ thuật cải lương, những trang sử – Trương Bỉnh Tòng
- Tìm hiểu âm nhạc cải lương – Đắc Nhẫn

 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét