Theo tôi nghĩ, không phải ai cũng
muốn tìm Thầy đắc đạo, vì đa số chỉ cần một Thầy hướng dẫn tinh thần là đủ. Tuy
nhiên ước muốn tìm Thầy đắc đạo không phải là không có, nhất là đối với người
muốn tu hành thực sự, muốn giải thoát luân hồi càng sớm càng tốt. Là Phật tử,
chắc bạn cũng biết thời nay là thời mạt pháp, cách Phật xa hơn 2500 năm, tìm đâu
ra Thầy đắc đạo? Mà đắc đạo theo bạn là thế nào? Có phải khi nhìn vào bạn, ông
Thầy đó liền biết quá khứ, vị lai của bạn không? Nếu vậy thì Thầy đó có khác gì
thầy bói tướng? Có phải Thầy đó biết trừ ma yếm quỷ, làm cho gia đạo của bạn
được bình an không? Nếu thế thì đó là thầy bùa, thầy pháp rồi.
Ðắc đạo có
phải ngồi thiền nhập định suốt ngày suốt đêm không? Ở Ấn Ðộ có nhiều đạo sĩ
Fakir có thể ngồi hoặc nằm suốt ngày trên những bàn chông hoặc đứng một chân,
giơ một tay suốt cả tuần cả tháng. Theo bạn nghĩ, mấy ông này có đắc đạo
không?
Ðắc đạo có phải là giảng được những bộ kinh lớn Ðại Thừa như Kim
Cang, Niết Nàn, Hoa Nghiêm không? Mấy giáo sư Ðại Học Triết ở Pháp, Bỉ, Mỹ cũng
giảng được các kinh này và nhiều khi còn dẫn chứng đầy đủ hơn quý Thầy
nữa.
Biết trước giờ chết của mình hoặc muốn chết thì chết như chuyện gia
đình Bàng Long Uẩn của Thiền Tông, có phải là đắc đạo không? Ở Ấn Ðộ các đạo sĩ
Du Già (Yogi) luyện tập pháp môn làm chủ hơi thở Pranayama có thể tùy ý làm đứng
nhịp tim hoặc ngưng hơi thở để chôn sống hai ba ngày, sau đó sống trở lại như
thường. Không biết mấy ông này đã đắc đạo chưa? Mà cho dù đắc đạo đi nữa cũng
phải chờ đến khi ông ta chết tự tại rồi mới biết là đắc đạo, và như vậy đâu còn
ích lợi gì cho tôi, nếu có thì chỉ xin hình ông ta đem về để lên bàn thờ tôn
sùng khấn vái.
Bạn cho rằng tôi không thích mấy ông Thầy đắc đạo sao?
Chính vì thích mấy Thầy đắc đạo nên tôi đã rời chùa, khăn gói lên đường tìm các
bậc chân sư đắc đạo. Chữ đắc đạo đã làm tôi say mê đắm đuối trong suốt bảy năm
(từ 87 đến 93). Ngoài chuyện tìm Thầy đắc đạo, tôi còn muốn đắc đạo ngay trong
đời này nữa, muốn bắt chước Milarépa. Vì thế tôi đã đi tìm học với các Thầy Tây
Tạng và nhập thất ba năm. Nhưng bây giờ tôi không còn muốn tìm Thầy đắc đạo nữa,
chỉ muốn tìm Thầy chỉ "Ðạo Sống" khác với Ðạo Chết. Ðạo chết là Ðạo dạy tu hành
để sau khi chết được lên thiên đàng hay vào Niết Bàn, v.v...và nhiều lúc chỉ vì
muốn nhập Niết Bàn hay lên thiên đàng sớm mà người ta bỏ quên sự sống hiện tại,
đánh mất bao nhiêu sinh lực và tiền của.
Ðạo Sống là sống cho ra sống,
hiểu được ý nghĩa của sự sống, thực hiện an vui hạnh phúc ngay trong hiện tại,
sống hoà hợp thương yêu với chính mình và mọi người, biết chấp nhận cả thiện lẫn
ác.
Lúc trước mỗi khi nghe nói ở đâu có Thầy tu cao, đắc đạo là tôi liền
tìm đến cầu học. Nhưng tôi chỉ ở được vài tuần hoặc vài tháng rồi lại bỏ đi. Bởi
vì tôi không bắt được sự thông cảm hai chiều, có nghĩa là trò phải hiểu Thầy chứ
Thầy không cần hiểu trò. Thầy dạy sao thì nghe vậy, hiểu hay không cũng phải làm
theo. Có nhiều Thầy còn muốn tôi trở thành y hệt như ông ta, trở thành hình bóng
của ông ta. Nhưng làm sao tôi trở thành hình bóng của một người khác được! Do đó
cứ thế mà tiếp tục tầm Sư học Ðạo. Thế rồi có một lần tôi đừng lại, tự hỏi làm
sao biết được Thầy kia là người đắc đạo? Mà đắc đạo là đắc đạo gì? Ở đây nếu bạn
giỏi kinh thì có thể trả lời: người đắc đạo là đắc cái vô sở đắc, chứng cái vô
sở chứng, dĩ vô sở đắc cố, cố danh chân đắc. Trả lời như vậy thì đúng là tinh
thần bát nhã rồi, nhưng thú thật với bạn, tôi thấy nó không ăn nhập gì với tôi
cả.
Bạn tu theo Ðạo Phật, tôi cũng tu theo Ðạo Phật, nhưng Ðạo Phật của
bạn có chắc là Ðạo Phật của tôi không? Chắc chắn là không rồi. Cũng cùng là Phật
Thích Ca nhưng Phật Thích Ca trong đầu bạn đâu có giống Phật Thích Ca trong đầu
tôi. Không tin bạn cứ nhìn các tượng Phật thì biết. Tượng Phật của Trung Hoa,
Nhật Bản thì mập mạp, đẫy đà; tượng Phật của Thái Lan, Miến Ðiện thì gầy gò,
bụng thắt lưng eo.
Ở gần một Thầy đắc đạo mà không cảm thấy an vui hạnh
phúc, ngược lại chỉ thấy buồn bực, khó chịu thì sự đắc đạo của ông ta có giúp
ích gì cho mình? Hơn nữa làm sao biết được ông ta đắc đạo? Mình chỉ biết người
khác đắc đạo khi chính mình đã đắc đạo. Nếu chưa được như vậy mà dám cho kẻ khác
đắc đạo thì đó chỉ là một khái niệm đắc đạo chủ quan. Thêm vào đó, đắc đạo nào?
Ðạo Phật chăng? Như đã nói hồi nãy, Ðạo Phật có nhiều truyền thống, mỗi truyền
thống lại có nhiều tông phái, mỗi tông phái lại có nhiều khái niệm đắc đạo khác
nhau. Bởi vậy khi đi tìm Thầy đắc đạo, ta cần phải xác định lại cái Ðạo mà mình
cần đắc, sau đó quan sát xem ông Thầy "đắc đạo" mà mình theo học có thể hiện cái
Ðạo mà mình muốn đắc hay không?
Giờ đây, bất cứ ai cũng có thể làm Thầy
tôi được, từ một em bé đến một bà lão. Ngay cả bạn nữa, nếu bạn biết sống cho ra
sống, tự thân bạn tỏa ra niềm vui, tỏa ra tình thương và sự chân thật thì thế
nào tôi cũng có dịp đến học Ðạo với bạn.
THÍCH TRÍ SIÊU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét