In the use of Noble Silence
Thế sự đua nhau nói Dại - Khôn
Biết ai là Dại, biết ai Khôn
Khôn mà như thế là "khôn dại"
Dại được như ri, ấy "dại khôn".
Tiếng thị phi (piece of slander):
Thị: nghĩa là đúng,
Phi: nghĩa là sai.
Vậy tiếng thị phi là dư luận của mọi người chung quanh về một người; đã thành lời đồn, lời phê phán.
Trên bước đường tu học, Phật tử chúng ta (hoặc những ai chưa là Phật tử) sẽ không tránh khỏi những hàm oan. Câu hỏi đặt ra ở đây là: << Vậy bằng cách nào chúng ta có thể vượt qua được những oan khiên đó dưới góc nhìn của một người tu học? >>.
Giải tỏa oan ức
Tất cả chúng ta sống trên cuộc đời này, ai cũng có nỗi lo, nỗi khổ, nhất là cảm giác bị oan ức là nỗi khổ lớn. Oan ức là những điều mình không làm mà bị người khác đổ lỗi, nên mình cảm thấy ức lòng, đau khổ. Muốn giải tỏa nỗi oan ức này, chúng ta làm cách nào ?
Luận Bảo Vương Tam muội dạy rằng oan ức không cần biện minh, vì càng biện minh thì nỗi hàm oan càng lớn. Lời dạy này hơi khó hiểu. Đa số chúng ta tin rằng mình có thể giải tỏa được oan ức; nhưng sự thật càng giải, nỗi hàm oan dường như càng tăng trưởng mà tôi có cảm giác giống như chiếc còng số tám, nếu càng vùng vẫy thì cái còng càng siết chặt lại, thà cứ để yên, chúng ta sẽ thấy nhẹ hơn và làm sao tay chúng ta tự nhỏ lại để rút tay ra khỏi cái còng, hay ngược lại, làm sao cái còng mở ra được. Làm tay mình thu nhỏ lại chắc chắn là rất khó, hoặc làm chiếc còng mở ra được cũng không dễ; nhưng chỉ có hai cách này mà thôi.
Nếu là chiếc còng số tám thật, tra chìa khóa vô thì mở được. Còn chiếc còng oan ức siết tâm mình thì cũng phải tìm chìa khóa mở ra. Nhưng nếu không tìm thấy chìa khóa, phải nhờ các bậc thiện tri thức chỉ cho chúng ta. Thiện tri thức lớn nhất là Phật và các vị Tổ sư đắc đạo, các Ngài đều có chìa khóa mở cửa thoát ra khỏi tam giới.
Vấn đề đặt ra ở đây là giải oan ức, nhưng phải tìm oan ức này ở đâu? Có thể khẳng định rằng nỗi oan ức thật sự do chúng ta tạo nên cho chính mình. Đức Phật đã chỉ thẳng rằng tất cả mọi việc do chúng ta tự tạo ra và sự tạo dựng lớn nhất của chúng ta là tạo ngôi nhà ngũ ấm và tạo ngục tù tam giới, từ đó phát sinh tất cả khổ đau của mọi người trên thế gian này.
Đức Phật đã trao cho chúng ta chiếc chìa khóa là 37 trợ đạo phẩm để mở cánh cửa ngục tù tam giới, mở cánh cửa của Nhà lửa để chúng ta thoát ra. Tất cả các vị thánh La hán và chư Bồ tát đã tìm được chìa khóa và các Ngài đã thoát ra rồi, nhưng vì thương chúng sinh mà các Ngài đã trở lại nhân gian này với dạng hình con người. Chúng ta thấy trên mặt hiện tượng, Bồ tát hay thánh La hán có hàm oan, nhưng thật sự không phải như vậy; vì các Ngài trở lại cuộc đời bằng tâm từ bi và trong tay các Ngài có vô số phương tiện hữu hiệu, đồng thời trong tâm các Ngài cũng có diệu pháp, tức là đại dụng. Bồ tát và La hán là hai bậc Thầy lớn có đủ khả năng giúp chúng ta tháo gỡ những oan ức.
Trên bước đường tu, nếu không nương được Bồ tát và La hán, người ta sẽ ở mãi trong sinh tử, không thoát ra được và oan ức này sẽ chồng lên oan ức khác, cho đến lúc họ phải vào địa ngục Vô gián, vì càng tháo gỡ theo kiểu phàm phu thì chiếc còng oan ức càng siết chặt họ hơn. Thật vậy, thực tế cho thấy lúc bắt đầu, sai lầm của họ không có, hay có rất ít, nghĩa là nỗi oan ức của họ không lớn, nhưng vì không nhìn đúng sự thật của vấn đề, cứ nghĩ họ đúng, họ bị oan ức và nuôi lớn nỗi oan ức đó, nên họ cứ tranh đấu hoài, thì lòng sân hận và hành động sai trái theo đó tăng dần, cho đến lúc họ không chịu nổi, sẽ kết thúc bằng tự tử. Con đường đi vào sinh tử là vậy.
Đức Phật mới mở ra cho loài người con đường giải thoát, thực tập pháp Phật đến đâu thì được giải thoát đến đó, tức đã phát huy được trí tuệ theo Phật. Tất cả các pháp môn Đức Phật dạy đều là chìa khóa mở cánh cửa ra khỏi ngục tù tam giới. Đức Phật đã trao chìa khóa và chúng ta chỉ cần tra chìa khóa vào là bước ra khỏi mọi trói buộc, khổ đau. Phật là vị đại Đạo sư đã chỉ dạy con đường thoát hiểm nạn trầm luân sinh tử, việc đi ra hay không là tùy ở chúng ta.
Đức Phật trao cho chúng ta chìa khóa của kinh Pháp Hoa là tam thừa giáo để ra khỏi sinh tử, ra khỏi Nhà lửa, đến bãi đất trống, nghĩa là tâm chúng ta trống sạch, được giải thoát, tất cả nỗi oan ức trong lòng không còn. Lúc đó chúng ta vẫn còn thân người nhưng là người giải thoát thanh tịnh, không phải chết mới được giải thoát; nhiều khi chết khổ hơn, vì mang thân người mới có điều kiện tốt để làm Tiên, làm Thánh, làm Phật; còn nếu lỡ rớt xuống làm heo, làm gà thì khó tu lên được.
Trong loài người, ta mới được Phật trao cho chìa khóa tam thừa; Ngài nói rằng trong tứ sanh lục đạo, chỉ loài người mới có điều kiện ra khỏi tam giới. Tất cả các loài khác muốn ra khỏi tam giới, phải tái sinh làm người, rồi tu lên, mới làm Tiên, làm Thánh, làm Phật.
Khi phát tâm Bồ đề, thật sự tu theo Phật, nhìn kỹ thấy trên cuộc đời này những nỗi oan ức thường là “oan Thị Mầu”, không phải oan Thị Kính, vì Thị Kính đã lấy được chìa khóa tam thừa mở thoát ra, giải được nỗi oan. Ai cứ thấy mình oan ức là người đó đang tu theo Thị Mầu, hay tu theo Đắc Kỷ đã tu một ngàn năm, nhưng tánh ác hại người bên trong còn nguyên mà miệng cứ kêu oan.
Bước chân vào Phật pháp, an trụ trong yếu lý Phật dạy, thấy được thật tướng các pháp mà Phật nói rằng ở trong tam giới không có sinh tử, nhưng vì vô minh vọng kiến ngăn che, tạo nên các tội sai biệt, rồi cứ kêu oan. Tất cả mọi việc đều do chúng ta tạo, kinh Hoa Nghiêm gọi là nhứt thiết duy tâm tạo. Nếu tâm chúng ta thánh thiện sẽ tạo nên Bích chi Phật, La hán, Bồ tát; nếu tâm chúng ta ác sẽ tạo thành ác ma, cao nhất là ma Ba tuần, dẫn vào thế giới ma.
Chìa khóa Phật trao cho loài người là Ngài trao cho Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát để cứu nhân độ thế. Những vị này đã có chìa khóa, đã tự mở được ngục tù cho họ rồi và cũng mở ngục tù cho mọi người thoát ra. Nếu không nương vào ba hàng đệ tử này để ra khỏi ngục tù của ba cõi, chúng ta sẽ lẩn quẩn mãi trong tam giới và tội cũ sẽ chồng chất thêm tội mới, cứ như vậy phải khổ triền miên, rồi nói tôi tu sao mà khổ vậy.
Chúng ta phải biết cái gì tạo khổ đây. Đức Phật nói do Thức chúng ta tạo. Đa số chúng ta sống theo vọng thức, từ bỏ chơn tâm. Vọng thức là lòng ham muốn, tánh ích kỷ của chúng ta. Chúng ta sống với vọng thức nhiều hơn mới dẫn đến khổ đau. Vì vậy, trên bước đường tu, muốn hết khổ, phải xóa vọng thức. Bồ tát chuyển được vọng thức thành tuệ giác là hiểu biết, nên không bao giờ khổ.
Không biết thì thực không khổ, nhưng cảm thấy khổ. Ví dụ những người xung quanh nói xấu tôi, nhưng tôi không nghe, không biết, nên tôi không khổ. Lỡ có người nghe lời nói xấu, họ kể lại cho tôi rằng ông A nói xấu tôi vậy đó, nghe xong tôi cảm thấy khổ. Nghĩa là do nghe, suy nghĩ, biết, mà cảm thấy mình bị oan ức rồi buồn khổ, thì đó là oan Thị Mầu, tức đã tạo tội rồi mà còn kêu oan.
Người tu xóa oan ức theo Phật dạy bằng cách không nghe, không thấy, không suy nghĩ, thì tạm cắt bỏ được vọng thức ở bước đầu; vì vọng thức này phát xuất từ thấy, nghe, suy nghĩ gọi là nhãn thức, nhĩ thức và ý thức, tạo nên hiểu biết đau khổ.
Ai nói chúng ta không nghe, ai làm chúng ta không thấy, nên tâm chúng ta không suy nghĩ. Đức Phật dạy muốn ra khỏi sinh tử, được giải thoát, phải cách ly thế sự. Vì vậy, người tu thường ở trong phòng đóng cửa lại, hoặc ở trong hang đá, ở núi rừng vắng vẻ, không liên hệ với cuộc đời, để khóa cánh cửa địa ngục, mở cánh cửa Niết bàn. Nói cách khác, cánh cửa trần gian đóng lại, mở Phật pháp bên trong là tu hướng nội khác với hướng ngoại thì nghe biết đủ thứ chuyện trên cuộc đời, nên biết nhiều khổ nhiều, không biết không khổ. Thậm chí một chút nữa trời sập, nhưng mình không biết thì vẫn tỉnh như không, còn biết trời sắp sập, dù chưa sập nhưng trong lòng cứ cảm thấy lo sợ, phải tự khổ thôi.
Trong khóa tu này, các Phật tử tập tu bằng cách không biết việc của thiên hạ, vì biết như vậy sẽ làm bẩn tâm mình, tự khổ thêm. Càng biết nhiều việc của cuộc đời, chắc chắn nỗi khổ sẽ lên đến cùng tột. Người tu không dại gì đem khổ của thiên hạ vô tâm mình để khổ. Chúng ta thấy Đức Khổng Tử chỉ có ý thức muốn bình thiên hạ mà cả cuộc đời của ông luôn lận đận lao đao. Làm sao bình được thiên hạ, việc này không thể được, nhưng ông cứ muốn như vậy mà tự khổ; tức hiểu biết đã làm ông khổ. Hạng Thác là người chăn trâu hỏi Khổng Tử trả lời được ba câu thì mới xứng đáng là Vạn Thế Sư Biểu, tức làm Thầy muôn đời. Khổng Tử đáp rằng một trăm câu cũng trả lời được, chẳng lẽ không trả lời nổi ba câu của kẻ mục đồng. Hạng Thác hỏi trên trời có bao nhiêu vì sao. Khổng Tử bảo nói chuyện trên trời làm sao biết được, hãy nói chuyện trên mặt đất. Nhưng ông cũng không trả lời được câu hỏi thứ hai là trên trái đất này có bao nhiêu người. Ông tức mình bảo phải nói chuyện trước mắt, đừng nói chuyện bao la. Vậy thì câu hỏi thứ ba là cho biết cặp chân mày của ông có bao nhiêu sợi lông. Dĩ nhiên là ông đành chịu thua. Câu chuyện này nhằm nói rằng hiểu biết của con người có giới hạn, nhưng muốn làm chuyện quá lớn lao rồi tự khổ. Nếu Đức Khổng Tử từ bỏ ý nghĩ muốn bình thiên hạ, chắc chắn ông vẫn sống ung dung tự tại, vì với trí khôn ngoan hiểu biết ông cũng giúp được cho cuộc đời nhiều lắm chứ.
Trước tiên, Đức Phật trao chiếc chìa khóa thứ nhất cho hàng nhân thiên thoát ra khỏi khổ đau. Con người muốn hết khổ, không còn oan ức nữa, Phật khuyên chúng ta chỉ cần giữ năm giới cho tốt. Nếu đã giữ năm giới tốt, nhưng còn bị oan ức là do túc nghiệp của chúng ta, tức là nghiệp của đời trước. Nhìn cuộc sống chúng ta hiện tại mà biết được túc nghiệp mình. Nếu sanh trong gia đình cờ bạc, hút xách, chắc chắn chúng ta phải mang tất cả nghiệp của dòng họ mình. Chúng ta có nghiệp này mới sanh vô gia đình như vậy. Nếu sanh trong vùng chiến tranh hay ở vùng biên giới không có văn minh, tự biết nghiệp của mình đời trước không tốt. Sanh ra trong gia đình nghèo đói, thân thể ốm o, rách rưới mà đến nhà sang giàu thì dễ bị hàm oan. Tôi xuất thân từ giai cấp nông dân nghèo khổ, nên nhận ra điều này rất rõ và vâng lời Phật dạy, tôi giải được nghiệp này. Nghèo nàn thì ta không nên đến chỗ sang trọng, vì dễ bị đổ oan rằng mình ăn cắp, bị đánh, bị tù tội, bị giết chết. Nghiệp nghèo khổ đời trước đã có, đời này không muốn bị oan ức, tốt nhất là tránh những nơi giàu có. Ý này trong kinh Pháp Hoa, Ca Diếp đại diện cho các trưởng lão thưa với Đức Phật rằng người cùng tử không dám vào nhà sang trọng của ông trưởng giả, mà phải tới xóm nghèo làm thuê mướn, sau đó mới được vào ở am tranh hốt dọn phân nhơ. Nghĩa là chúng ta đến được Phật pháp, phải chấp nhận thực tế cuộc sống của mình, phải sống đúng thân phận và hoàn cảnh tương ưng với mình thì người ta mới để cho mình yên thân mà tu.
Riêng bản thân tôi, trong khoảng thời gian từ 10 tuổi cho đến 30 tuổi, trong suốt 20 năm, tôi không có một vật nào có giá trị để không bị oan ức; vì có ai mất đồ, thấy tôi sống đơn giản, chắc chắn họ không nghi tôi ăn trộm. Chỗ ở và thức ăn của mình đạm bạc tới mức tối đa, thì ai nghĩ mình ăn cắp.
Tu hành chúng ta phải nhận ra túc nghiệp của mình để hóa giải. Oan ức do nghiệp đời trước mang vô thân đời này rồi, chúng ta phải tìm cách xóa sạch. Nghiệp nghèo đói do gian tham trộm cắp, nghiệp bệnh hoạn do sát sanh hại mạng, nghiệp tà dâm nên thân thể xấu xí hôi dơ; nghĩa là phải kiện toàn thân tâm mình trở thành thanh tịnh thật sự.
Chìa khóa ngũ giới mà Đức Phật đưa cho chúng ta, để thực tập đời sống phạm hạnh, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói bịa đặt, không uống rượu. Thực tập được năm điều tốt đẹp căn bản này, tất cả hàm oan sẽ không đến với chúng ta nữa, hoặc thực tập đến đâu sẽ giải thoát đến đó. Còn tham vọng lớn, đòi hỏi nhiều, tiêu xài phung phí, nợ chồng chất thì phải khổ thêm, không thể khác. Trên bước đường tu theo Phật, hãy sống với những gì mình có, hay sống dưới mức mình có càng tốt; nói cách khác, làm nhiều hưởng ít, mới tích lũy được công đức, chắc chắn cuộc sống an lành giải thoát ngay, không đợi kiếp sau.
Muốn đời sống chúng ta được nâng cao hơn, Đức Phật trao chiếc chìa khóa thứ hai là thập thiện. Tu thập thiện nghiệp, tức làm mười điều lành sẽ được người kính trọng. Thập thiện nghiệp là mười giới gồm có ba giới của thân (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm), bốn giới của miệng (không nói lời bịa đặt, không nói lời hung ác, không nói lời đâm thọc, không nói lời gây chia rẽ) và ba giới của ý (tham, sân, si). Thực hiện mười nghiệp thiện sẽ được lên cõi Trời là cảnh giới sống được tốt đẹp hơn cõi người.
Ví dụ đối với việc thiện của thân, chẳng những chúng ta không sát sanh mà còn có lòng từ hộ mạng chúng sinh. Vì có hộ mạng tức cứu giúp người hoặc loài vật, mình sẽ được họ thương kính, quý trọng, nghĩa là tư cách của mình được nâng cao gọi là chư Thiên. Đọc truyện Tây du ky, có ông Trần Quang Nhị đã cứu con cá vàng thoát chết. Khi ông bị người ác xô xuống sông, vì đời trước ông đã giết người này; nhưng nhờ ông đã cứu con cá vàng nên nó nhớ ơn, hiện ra cứu ông. Mình có bố thí, giúp đỡ, người mang ơn, lỡ mình sa cơ thất thế, họ sẽ giúp lại mình.
Như vậy, Đức Phật đã trao cho loài người hai chìa khóa, một chìa khóa thập thiện nghiệp để mở cửa thiên đường và một chìa khóa ngũ giới để được tái sinh làm người không còn bị hàm oan. Còn tạo nghiệp ác kiếp trước, thì sanh lại đời này thường bị hàm oan và từ đó lại tạo thêm nhiều nghiệp để phải chịu oan nữa.
Tuy hai chìa khóa này giúp chúng ta thoát những nỗi khổ đau và oan ức, nhưng chỉ là giải quyết tạm thời trên cuộc đời này, vì khi hết oan ức và hưởng hết phước, lại tạo tội, rồi rớt xuống khổ đau thì gặp oan ức nữa. Cứ như vậy mà chúng ta lẩn quẩn từ kiếp này sang kiếp khác trong tứ sanh lục đạo.
Đức Phật vì tâm đại bi muốn cho chúng ta ra khỏi sinh tử luân hồi, Ngài mới trao thêm ba chìa khóa khác mà kinh Pháp Hoa gọi là ba xe, xe dê, xe nai, xe trâu, phải dùng ba xe này mới ra ngoài sinh tử và thành tựu quả vị Phật được. Đức Phật cho ba hạng người là La hán, Bích chi Phật và Bồ tát sử dụng ba xe này, tức tam thừa giáo; còn các pháp tu khác dành cho nhân thiên.
Muốn tu ba pháp Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa để ra khỏi sinh tử, Đức Phật dạy chúng ta phải hạ thủ công phu miên mật, không phải bình thường. Đầu tiên tu Thanh văn thừa để đắc La hán, đó là pháp mà con người dễ thực tập nhất, gần nhất và nhanh nhất. Quả La hán có bốn cấp bậc: Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và A la hán. Bốn cấp bậc này chúng ta tưởng khó, nhưng không khó lắm, vì đó là thế giới của nội tâm, tức chỉ tu tâm. Vì tu tâm, nên chúng ta thấy các vị La hán chỉ ngồi yên, không làm gì, nhưng họ đang quán sát sự vận hành của tâm và điều động được tâm, nên quả chứng của họ rất lớn, chẳng những giải sạch tất cả oan trái trên cuộc đời này, mà họ còn vĩnh viễn ra khỏi tam giới. Trong khi hàng nhân thiên giải được hàm oan này lại rơi vào hàm oan khác, tạo phước cũng trầy trật lắm, nhưng có phước rồi, được sống sung sướng ở cõi trời, hưởng một lúc phá sản, lại rớt xuống, có thể rớt thẳng xuống ba đường ác, còn may mắn thì tái sinh cõi nhân gian, lại bị khổ đau hàm oan nữa.
Tóm lại, năm chìa khóa mà Đức Phật đã trao cho chúng ta để mở các cánh cửa đi vào những cảnh giới tốt đẹp, từ cõi người đến cõi Trời, cho đến những cảnh giới của hàng tứ Thánh là Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Phật. Chúng ta nhờ có căn lành sâu dày mới được làm đệ tử Phật, được tu học trong giáo pháp của Ngài, cầu mong rằng tất cả mọi người nỗ lực tinh tấn tu hành, tùy theo tâm lực, đạo lực, huệ lực mà từng bước trong cuộc sống này và muôn kiếp về sau, chúng ta thường ra vào tự tại những cảnh giới tốt đẹp trong mười phương Pháp giới để thành tựu viên mãn phước đức trí tuệ của Bồ tát hạnh, đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng - Chánh giác.
HT Thích Trí Quảng
Chúng sinh có hai đại loại:
1. Hữu
tình: Những động vật có tình thức, cảm giác.
2. Vô
tình: gồm thực và khoáng vật.
Con người là một trong hàng vạn vạn loại hữu tình chúng sinh.
Một cách tổng quát, con người là sự kết hợp mầu nhiệm, nhịp nhàng
giữa 2 phần: Vật chất và tinh thần, tức Ngũ uẩn theo danh từ Phật giáo. Trong ấy,
sắc thuộc vật chất, thọ, tưởng,hành và thức thuộc tinh thần.
Nếu dùng nhãn quang khoa học để phân tích thân thể con người thì
chúng ta sẽ thấy gồm các chất tố sau đây:
Nước chiếm 75%, còn lại 25% bao gồm:
1. Khoảng
2 lượng muối
2. Một
ly nhỏ đường
3. Chất
mỡ có thể làm được 6 miếng xà phòng thông thường
4. Chất
lân (phosphor) có thể làm 20 que diêm
5. Chất
sắt có thể làm thành một cây đinh nho nhỏ
6. Chất
thạch khôi (lime: đá vôi) có thể dùng để tiêu độc cho 1 cái lồng nhốt gà nhỏ
7. Chất
lưu huỳnh, giết được rận (bọ chét) cho một con chó
8. Chất
đạm khí (Nitrogen) chỉ đủ làm thuốc súng cho 1 phát súng bắn chim
Qua phân tích trên chúng ta thấy con người quả thật giả tạm, vô
nghĩa.
Đức Phật còn đi xa hơn, không những với loài hữu tình chúng sinh
mà cả với thế gian (Sa Bà thế giới), với quả đất này Ngài đều bảo rằng:
“Như bọt nước trôi sông, như lầu sò, chợ biển, nếu xem đời bằng cặp
mắt ấy thì thần chết không đến được.” (Kinh Pháp Cú, Phẩm Thế Gian, câu 170 )
Từ xưa đến nay, từ
đông sang tây hễ là người thì ai cũng muốn an vui, hạnh phúc, tham sống sợ chết,
nhưng sao khắp đó đây loài người vẫn mãi khổ đau, chết chóc một cách oan uổng,
tức tưởi!?
Khổ đau chết chóc vì thiên tai (bão lụt, động đất…) là điều tự
nhiên ( không kể 2 trận lụt vào tháng 11 và 12-1999 tại miền Trung Việt Nam)
nên nỗi đau ấy không mang tính tủi nhục, đắng cay như sự khổ đau do con người
gây ra cho chính loài người. Vì, khác với THIÊN TAI, NHÂN HỌA ẩn tàng các độc
tính: tàn nhẫn, man rợ, đê tiện, ích kỷ, gian tham, bẩn thỉu, đố kỵ, giả dối
lưu manh, tiểu nhân, thú vật, phản bội vong ân, ám muội, nhỏ nhen, hỗn xược,
kiêu căng, phách lối, ngu muội hận thù.v..v…
Nhưng các độc tố trên từ đâu mà có? Nói khác đi, cái gì là nguồn gốc
phát sinh ra chúng?
Xin thưa, thỉ tổ chúng là “Ông thị và Bà phi”.
Nói ông bà kỳ thực chúng như nước với lửa, bóng tối với ánh
sáng…Vì, THỊ là điều phải, lẽ phải, còn PHI là sai trái. Nội dung bài này sẽ
bàn về chữ Thị, Phi theo nhãn quang người viết.
Trước khi đi sâu vào vấn đề, chúng tôi tạm đưa ra một công thức (đồ
biểu) mô tả về tiến trình của Thị Phi.
Mê mờ- Tham lam- Thù hận- Hãm Hại- Chiến Tranh
Ước gì mọi người có cùng một trình độ, một lập trường, một hướng
nhìn, một tâm tình như nhau khi đứng trước một vấn đề. Ước gì mọi người đều chịu
khó bỏ cặp kiếng màu xuống thì mọi việc đều êm đẹp hết. Nhưng trước sau điều đó
chỉ là một ước mơ, một “bạch nhật mộng”! Vì thế, trên khắp mặt địa cầu giặc
giã, chém giết triền miên cơ hồ như không bao giờ ngừng nghỉ.
Đã là người, chúng ta không thể không phân biệt PHẢI (thị) TRÁI
(phi), nghĩa là chúng ta không thể sống kiểu hoạt đầu, ba phải. Nhưng thế nào
là phải và trái theo nghĩa tương đối trong cuộc đời này?
Dĩ nhiên không nhất định vì có nhiều người theo mà gọi là THỊ. Thị
là việc gì, điều gì đem lại an vui, hạnh phúc cho mọi người, mọi loài ở hiện tại
và cả tương lai nữa, ngược lại là Phi.
Song khốn nỗi trong đời này, ít ai thấu hiểu được cái nghĩa thị
phi, do đó, thay vì bênh vực cái thị, bài trừ điều phi để đem lại công bằng, trật
tự cho xã hội thì trái lại, người ta ưa chuộng, ôm ấp đìều phi và ghét bỏ cái
thị, nghĩa là, người đời vì “tham giận kiêu căng, si mê lầm lạc” nên lấy trái
làm phải. Cho phải là trái, nhận giặc làm con. Đó chính là nguyên nhân gây ra
khổ đau, loạn lạc, sanh tử luân hồi vô cùng tận. Đúng như Đại Chính tạng, tập
52, trang 491 đã nói:
“Thế bất đạt giả đa tương thị phi, dĩ thị kỳ sở thị nhi phi kỳ sở
bất thị, bất phi kỳ sở phi, nhi phi kỳ sở bất phi. Thử tắc thị kỳ sở phi
nhi phi bỉ sở thị hỉ.”
Nghĩa là:
Ở đời, những kẻ không thông đạt thường hay lầm lẫn giữa thị và
phi, nên thay vì khen điều phải, chê điều trái thì họ lại theo điều trái, bỏ điều
phải. Như thế là họ đã lấy trái làm phải, lấy phải làm trái vậy!
Ngoài ra, lại còn tự thi nhi phi nghĩa là mới xem qua hình như
đúng song kỳ thực sai. Đó là lời nói và việc làm của những kẻ đạo đức giả, ức
tưởng, đoán mò, ngôn hành theo sự chi phối của bản năng, lợi danh, vô minh hay
sự hiểu biết phiến diện, hạn hẹp của kẻ mù rờ voi. Đây cũng là nhân tố gây ra
khổ não cho xã hội nhân quần nói chung. Vì đương sự đã lấy điểm làm diện , lấy
bộ phận làm toàn thể.
Trên đây chúng ta quan niệm thị phi theo thực tế tương đối của thế
gian. Dưới đây là quan niệm về thị phi theo nghĩa xuất thế tuyệt đối.
Theo nghĩa này, trước hết nên nói đến điều thứ 10 trong Mười Điều
Tâm Niệm của Luận Bảo Vương Tam Muội:
“Oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch là nhân ngã chưa xả.”
Biện bạch là cốt tìm cho ra lẽ phải trái. Nếu mình phải (thị) thì
người trái (phi) và ngược lại. Nhưng một khi đã có ý tranh biện hơn thua thì tự
khắc cái lằn ranh nhân (người khác) ngã liền dựng dậy. Đã thấy có ngã nhân tức
là tinh thần đại bi đồng thể trong tứ vô lượng tâm bị nhạt nhòa ngay. Ấy là mầm
mống tạo ra loạn lạc triền miên trên địa cầu bé bỏng của chúng ta. Hơn nữa, như
trên đã nói nhân và ngã chỉ là sự kết hợp tạm thời của hai yếu tố tinh thần lẫn
vật chất. Vì thế, nó tạm bợ, mong manh như hạt sương mai trên đầu ngọn cỏ, có
đó rồi không đó.Mặt thật của ngã nhân là vậy, do đó, sự tranh biện hơn thua giữa
mình và người có khác chi sự giành giật vô nghĩa của hai giọt sương đâu? Đúng
như lời dạy trong kinh Pháp Cú. Phẩm Song Yếu, câu thứ 6:
“Người kia không hiểu rằng chúng ta sắp bị hủy diệt nên mới phí sức
tranh biện hơn thua. Nếu hiểu thì chẳng còn tranh biện nữa.”
Bởi vậy, Đức Phật dạy người tu hành nên: “ Lấy oan ức làm cửa ngõ
đạo hạnh. Lấy hoạn nạn làm giải thoát. Lấy ma quân làm bạn đạo. Lấy chống
đối làm nơi giao du.”
Nên chi, chấp thuận trở ngại thì lại thông suốt, mong cầu thông suốt
thì sẽ bị trở ngại. Đức Thế Tôn thực hiện tuệ giác bồ đề trong sự trở ngại, như
Ương Quật hành hung, Đề Đà khuấy phá mà Ngài đều giáo hóa cho thành đạo cả. Như
vậy, há không phải chính sự chống đối lại làm sự thuận lợi và sự phá hoại trở
nên sự tác thành cho ta sao?
Lấy lời Phật dạy làm nền tảng, trong bài khuyến thế ca. Hàm Sơn đại
sư cũng chủ trương:
“Thị phi bất tất tranh nhân ngã
Bỉ thử hà tu luận đoản trường
Thế sự do lai đa khuyết
hãm
Huyễn khu yên đắc miễn vô thường
Cật tá khuy xứ nguyên vô ngại
Thoái nhượng tam phân giã bất phương…”
Đại ý nói, cuộc đời xưa nay vốn dĩ bất toàn, què quặt thì thân mạng
chúng ta làm sao có thể tránh thoát được sự biến hoại, bọt bèo? Sống trong một
thực trạng bèo mây bấp bênh như thế sao người đời cứ mãi tranh giành được mất
hơn thua? Chúng ta nhường một bước, chịu thiệt thòi một chút có sao đâu? Vì thắng
hay bại cuối cùng cũng đều chịu kiếp phù vân, có ai lột da để sống đời? Phương
chi trong kinh Pháp Cú, Phẩm An Lạc, câu 201 Đức Thế Tôn đã huấn thị rành rành:
“ Thắng lợi bị thù oán, thất bại bị đau khổ, chẳng màng tới thắng
bại, sẽ sống hòa hiếu an vui.”
Nhưng muốn an vui, hòa hiếu thì trước hết mọi người phải nhận rõ địa
vị và trách vụ của mình. Ngoài ra, còn phải biết tôn trọng lẽ phải, biết phục
thiện và biết lắng nghe. Được vậy thì thế gian này là Tịnh Độ chứ chẳng cần tìm
đâu xa. Vì chính cái ý niệm biết trọng lẽ phải (Tri Thị) tôn trọng và thực hành
lẽ phải, ấy là Đâu Suất Tịnh Độ chứ chẳng phải nhọc công kiếm tìm, như Ngài Hàm
Sơn dạy:
“ Tri thị tiện đăng Đâu Suất giới
Hà lao thử ngoại mích tây phương.”
Với con người tương đối, sống trong hữu hạn, nên chúng ta thấy có:
ngã, nhân, bỉ, thử, thị, phi…Nhưng với nhãn quang của người đã minh đạt Chánh
Pháp thì ranh giới thị phi không còn, vì phiền não là bồ đề ngoài phiền não
không có bồ đề, ngoài thế gian pháp không có Phật Pháp, chẳng có bồ đề: “ Phật
Pháp bất ly thế gian pháp, ly thế mích bồ đề, kháp như cầu thố giác: Phật Pháp
không tách khỏi thế pháp, lìa thế gian để tìm bồ đề (sự giác ngộ) chả khác gì
đi tìm sừng thỏ.” ( Lục Tổ Huệ Năng).
Một khi đã sống trọn vẹn với tinh thần bất tức bất ly thì còn đâu
ranh giới giữa thị phi, bồ đề và phiền não. Từ đó chúng ta mới chịu đựng được mọi
phiền não, mới tự tại giải thoát và ung dung đứng ngoài, đi trên tất cả thị
phi. Đó là thâm ý của Ngài Bách Trượng Hoài Hải:
“ Phiền não dĩ nhẫn nhục vi bồ đề
Thị phi dĩ bất biện vi giải thoát”
Người đời thường bảo: “Hay nói không bằng nói hay.” Bởi thế, không
tranh biện ( bất biện) chẳng phải không biết, kỳ thực vì biết quá nhiều, tránh
lối sống nhị nguyên, vì muốn thực hành lời dạy nhiệm mầu của đấng Vô Thượng
Giác:
“Nên im lặng như hiền thánh
Nên nói năng như hiền thánh.”
Thế nào là im lặng và nói năng như hiền thánh?
Xin xem câu chuyện này:
“Hai thầy trò Thiện Niệm và Phạm Ma Đạt. Thiện Niệm đi sau Đức Phật
và tìm mọi cách nói xấu Ngài. Trái lại, người học trò là Phạm Ma Đạt thì hết sức
ca ngợi Đức Phật.
Đức Điều Ngự hoàn toàn im lặng và cứ thế đi với dáng vẻ an tường tự
tại.
Về đến tịnh xá, các
thầy tỉ khưu bàn bạc với nhau: Lạ quá! Đấng Thiên Nhân Sư là bậc có đủ thiên
nhãn, thiên nhĩ thông, sao người ta làm vậy mà không nghe thấy Ngài nói năng gì
cả?
Nhân đấy Đức Phật dạy hai câu vừa dẫn trên đây.”
Suốt 45 năm giáo hóa, bằng vào thái độ siêu phàm và cao diệu, đức
Phật không những chịu đựng được mọi điều ác của thế nhân mà còn giáo hóa được kẻ
ác như bài học thứ 7 trong kinh Bốn Mươi Hai Chương:
“Hữu nhân văn ngô thủ đạo, hành đại nhân từ, cố trí mạ Phật.
Phật mặc bất đối.
Mạ chỉ, vấn viết:
Tử dĩ lễ tùng nhơn, kỳ nhân bất nạp, lễ quy tử hồ?
Đối viết: Quy hỉ
Phật ngôn: Kim tử mạ ngã, ngã kim bất nạp.
Tử tự, trì họa quy tử thân hỉ!
Do hưởng ứng thanh, ảnh chi tùy hình, chung vô miễn ly
Thận vật vi ác!”
Nghĩa là:
Có người nghe nói Đức Như Lai là bậc đạo hạnh, có lòng thương bao
la, nên họ cố ý đến mắng Ngài.
Đấng Toàn Giác im lặng.
Khi người ấy ngừng chửi, Đức Phật hỏi:
Ông đem lễ vật cho ai, người ta không nhận thì ông đem vật ấy về
phải không?
Vâng!
Phật dạy: Cũng thế, nay ông mắng tôi, tôi không ưa nghe tức ông tự
mang vạ vào thân, như vang (echo) theo tiếng, bóng với hình không bao giờ rời
nhau. Xin đừng làm ác!
Thử hỏi, nếu không có một thái độ siêu việt, bao dung, thiện xảo
như Đấng Chánh Biến Tri thì việc gì sẽ xẩy ra?
Muốn xứng đáng là con Phật, chúng ta cần phải học và hành theo hạnh
Phật. Có thế mới lợi mình, lợi người và không bị người đời chê là “ hữu danh vô
thực” hay “ danh bất phù thực”.
Để kết thúc, người viết xin tặng bạn đọc 2 bài thơ:
Bài 1: Phiên âm:
Nghịch cảnh lai thời thuận cảnh nhân
Nhân tình sơ xứ đạo tình thân
Mộng trung hà tất tranh nhân ngã
Phóng hạ thân tâm kiến càn khuân (khôn)
Dịch thơ:
Nghịch cảnh ấy là nhân thuận cảnh
Nhơn tình xa thì đạo tình gần
Tranh chấp làm chi trong mộng huyễn
Không màng tất cả thế mới chân.
Bài 2: Phiên âm
Thế
sự phân phân như thiểm điện
Luân hồi cổn cổn tự vân phi
Kim nhật bất tri minh nhật sự
Na hữu công phu luận thị phi.
Dịch thơ:
Thế sự qua nhanh như điện chớp
Luân hồi tuôn chảy giống mây bay
Nay còn mai mất nào ai biết
Công đâu ngồi tán chuyện dở hay.
Tóm lại, qua sự trình bày sơ lược trên đây chúng ta đã hiểu ít nhiều
về thị phi tương đối và tuyệt đối. Điều cốt yếu là phải linh động, sáng suốt để
tránh cái nạn nhân ế phế thực nghĩa là vì hay mắc nghẹn trong khi ăn nên bỏ ăn
để bị chết đói một cách oan uổng.
Thích Chánh Lạc
<< in silence, man can most readily preserve his integrity >>.Meister Eckhart
<< The most profound statements are often said in silence >>.
Lynn Johnston