Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Thuan Viet


Mỗi dân tộc trên thế giới đều có một loại y phục truyền thống để khi nhìn vào, chúng ta nhận biết họ thuộc quốc gia nào. Người Nhật Bản có chiếc áo Kimono, người Trung Hoa đời Mãn Thanh có chiếc áo Thượng Hải mà quý bà, quý cô thường gọi là áo "xường xám"...v...v...

Riêng người Việt Nam, chúng ta hãnh diện với chiếc áo dài- một loại trang phục đã được trang trọng nâng lên ngôi vị quốc phục, mà cũng có người gọi một cách hoa mỹ hơn: "chiếc áo dài quê hương". Nói đến chiếc áo dài Việt Nam, người ta nghĩ ngay đến sự thướt tha, duyên dáng của trang phục phụ nữ Việt.

Chiếc Áo dài là niềm kiêu hãnh của dân tộc, là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam - một hình thức không gian văn hóa có giá trị đã được UNESCO công nhận năm 2002.




Tìm về với nguồn cội, chiếc áo dài xưa nhất được gọi là áo "giao lãnh", có kiểu dáng tương tự áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại. Đặc biệt trong dịp hội hè đình đám, cưới hỏi, những chiếc áo được may bằng hàng the, nhiễu, thao, lụa, khoác bên ngoài những chiếc yếm đỏ thắm hay hồng đào và phủ lên chiếc váy lĩnh hoa chanh hoặc váy sồi có thắt lưng màu lá mạ hay màu cánh chả bay lượn trong gió.

Phụ nữ Việt Nam xưa thường hay để tóc dài. Khi mặc áo dài, họ thường vấn cao tóc và để lại một lọn đuôi gà làm duyên, đội nón thúng quai thao, thắt ngang lưng bộ xà tích, tay đeo vòng bạc, cổ đeo chuỗi hạt vàng, chân mang giày dừa, dép cong. Tất cả làm nên nét duyên dáng dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam.
Áo tứ thân
Áo dài LeMur (Lê Phổ)

















Với chiếc cổ cao, cứng, dáng áo may gọn, bó sát thân người với đường xẻ tà hai bên sườn rất cao tạo ra hai tà áo lả lướt, mềm mại, chiếc áo dài Việt Nam đã khiến bạn bè thế giới trầm trồ: “Áo dài trông rất sexy nhưng sexy trong sự kín đáo tế nhị mà trang nhã” đó là “Thời trang của mọi thời trang” (said Pierre Cardin). Sự kết hợp hài hòa giữa dáng áo với vóc dáng nhỏ nhắn, mềm mại và uyển chuyển của người phụ nữ Việt Nam làm nên sức quyến rũ của trang phục.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, chiếc áo dài đã qua nhiều biến đổi. Trong thập niên từ 1930 đến 1940, áo dài không có nhiều biến đổi trong cách may nhưng màu sắc của các loại vải dùng để may áo đã tươi sáng hơn. Năm 1939, một kiểu áo dài mới rất Âu hóa với cổ áo rộng khoét hình trái tim hay cổ bẻ và thêm cái nơ ở trước cổ, vai áo may bồng, tay nối ở vai xuất hiện nhưng không tồn tại lâu. Kiểu may chiết ở eo của chiếc áo bắt đầu từ những năm 1950 và đến những năm 1960, áo dài được thay đổi nhiều nhất với eo được chiết  mạnh hơn và cắt cao để hở cạp quần , gấu áo cắt ngang thẳng và dài đến gần mắt cá chân, cổ áo khoét tròn.




Đầu những năm 1970, để thích ứng với thời trang váy ngắn, quần loe của thanh niên, áo dài mini đã xuất hiện với vạt áo may ngắn và hẹp, có khi đến đầu gối, áo may rộng và không chiết eo nhưng ngực và tay áo ôm hơn, quần khi đó được may rất dài, gấu rộng tới 60 cm.

Hiện nay, các nhà thiết kế áo dài luôn nghiên cứu và tìm tòi sáng tạo ra những mẫu mốt mới cho trang phục này, không chỉ trên chất vải mà còn trên cả những hoa văn, đường nét. Trong số họ, có những người chủ trương sáng tạo cải biến áo dài theo hướng kết hợp với vẻ đẹp của các loại trang phục khác trên thế giới. Theo hướng này, chiếc áo dài có thêm nhiều hoạ tiết như bèo, rủ hơn, tay áo ngắn dài linh hoạt hơn hay chất liệu vải cũng cầu kỳ và phức tạp hơn. Bên cạnh đó có những nhà thiết kế lại theo đuổi, tôn vinh vẻ truyền thống của áo dài, kết hợp nét đẹp của áo dài với những nét đẹp của các nghề thủ công truyền thống khác để làm bật nên cái hồn dân tộc trong bộ quốc phục này.

Tà Áo Dài không thể gia công hoặc bán hàng loạt như những loại quần áo may sẵn khác. Mỗi mảnh được tạo ra là một công trình nghệ thuật của người thợ thủ công. Những thợ may áo dài thường phải từ chối đơn đặt hàng trước dịp năm mới. Đôi khi người ta nhận làm chỉ 24 giờ với giá gấp đôi.





Bà James Sterson, một sứ giả Mỹ đã nói rằng: "Không một đất nước nào có một trang phục dân tộc vừa đẹp truyền thống mà lại có chiều sâu văn hóa như tà Áo Dài Việt Nam".

Ngày nay, Áo Dài xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Những phụ nữ Việt Kiều biểu lộ tình cảm với quê hương qua chiếc áo dài. Nhiều du khách nước ngoài đã có những ấn tượng rất tốt về tà Áo Dài Việt Nam. Họ cảm thấy được tiếp đón rất nồng hậu khi những tà Áo Dài bay bay trong gió ở phi trường. Thật tiếc cho những ai đến Việt Nam mà không mang về một chiếc áo dài làm kỷ niệm và để khoe với những ai chưa từng đến Việt Nam. Tà Áo Dài xứng đáng với mệnh danh "Biểu tượng văn hóa dân tộc Việt Nam".

một chút Huế






Dù ở đâu...
Paris, London ... hay ở miền xa.
Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố.
Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó... em ơi















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét