Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Chư pháp mạn ác- Chúng thiện phụng hành- Tự tịnh kỳ ý- Thị chư Phật giáo


Bạch Vân tuyền - Bạch Cư Dị
by Nang Nam » Sat Dec 06, 2008 10:13 pm
Nguyên tác: Bạch Cư Dị
Image


白雲泉

白居易

天平山上白雲泉,雲自無心水自閑。
何必奔衝山下去,更添波浪向人間。

Bạch Vân Tuyền

Thiên Bình sơn thượng Bạch Vân tuyền
Vân tự vô tâm thủy tự nhàn
Hà tất bôn xung sơn hạ khứ
Cánh thiêm ba lãng hướng nhân gian.


--Bản dịch của Tuấn Sơn--

Suối Bạch Vân
Đỉnh núi Thiên Bình suối Bạch Vân
Mây không tư lự nước nhàn trôi
Cớ sao chảy xuống nơi chân núi
Gánh chịu phong ba chốn thế gian


-- Bản dịch của Song Nguyễn Hàn Tú --

-Bài 1

Bạch Vân ẩn giữa Thiên Bình
Mây ôm lờ lững vui tình gió trăng
Được chi bỏ núi xuống đồng
Quyện trong nhân thế trùng trùng phong ba

-Bài 2

Quanh co dòng Bạch lưng trời
Mây ôm, núi quyện êm trôi tháng ngày
Phải không nhập cõi thế này
Có đâu chịu cảnh đọa đầy nhân sinh

Lời bình của Tuấn Sơn

Bạn đọc thân mến Bạch Cư Dị là một nhà thơ lớn của Trung Hoa. Ông đã sáng tác trên 4,000 bài thơ. Thơ của ông chia làm 3 giai đoạn:
1- Thời niên thiếu
2- Thời thành danh
3- Thời chán đời khi bị vua biếm chức

Bạch Cư Dị là một quan to dưới đời nhà Đường, làm đến chức thị lang. Ông là một thi hào lừng danh thời đương thời. Có một hôm đi dạo ngang qua cổng chùa của thiền sư Ô Sào, trông thấy nhà sư ngồi vắt vẻo trên cành cây, vốn không ưa thích hạng người lánh nợ đời như các nhà sư, nên ông cau mày hỏi:

- Bộ hết chỗ rồi sao thầy chọn chỗ nguy hiểm như thế để ngồi?

Thiền sư Ô Sào bình thản đáp:

- Chỗ tôi ngồi coi bộ còn an toàn hơn chổ quan lớn ngồi nhiều...

Quan thị lang nhìn chiếc kiệu của mình đang ngồi, ngạc nhiên:

- Chỗ tôi đang ngồi có gì ngại đâu?

Thiền sư Ô Sào:

- Thưa, chỗ của đại quan là dưới vua, trên các quan và trăm họ. Được vua thương thì trăm họ ghét. Chỗ ngồi của quan lớn kê trên đầu lưỡi của thiên hạ thì làm sao tránh khỏi dị hiềm dèm pha. Có phải thế không?

Bạch Cư Dị nghe xong chỉ im lặng và hỏi nhà sư:

- Thầy có thể nói cho thôi nghe đại ý của Phật pháp được chăng?

Thiền sư đọc bài kệ:

Chư pháp mạn ác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo


Nghĩa là:

Các điều ác chớ làm
Các điều lành vâng giữ
Tự thanh lọc ý mình
Đó là lời Phật dạy

Bạch Cư Dị nghe xong liền bảo:

- Những điều thầy vừa đáp, con nít lên ba cũng nói được.

Thiền sư mỉm cười:

- Thưa đại quan , con nít lên ba nói được, nhưng ông lão 60 chưa chắc đã làm xong... Ngài có thấy như thế không?

Về sau khi bị vua biếm chức và không còn được vua trọng dụng. Ông đã theo thiền sư Ô Sào để học đạo. Nhờ sư dẩn dắt của thiền sư vị đại quan này hoát nhiên đại ngộ.


Hôm nay trở lại để phân tích từng câu trong bài thơ Bạch Vân tuyền:

Câu thứ nhất: "Thiên Bình sơn thượng Bạch Vân tuyền". Câu nay có nghĩa trên đỉnh núi Thiên Bình có con suối Bạch Vân. Nước suối từ trên núi cao chảy xuống nước trắng như màu mây. Nên gọi la bạch vân.
Câu thứ hai: "Vân tự vô tâm thủy tự nhàn". Thế nào gọi là vô tâm. Khi tiếp xúc với cảnh vật mà không buồn phiền dao động. Những người tu thiền muốn đạt đến chổ tâm thanh tịnh hay vô tâm, không nên bám víu lầy cảnh trước mặt. Thí dụ nhìn thấy cái nhà đẹp, lòng sinh ra đắm đuối say mê.
Nghe tiếng nhạc hay quên cả công viêc.
Thấy tiền bạc của cải tâm sinh ra tính muốn chiếm đoạt.
Nếu vô tâm, tức là lòng không còn dao động đước mọi biến chuyển dù ở nơi đâu.
Hương Hải thiền sư đã sáng tác bài thơ:

Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm


TS dịch thơ

Nhạn lướt không trung
Bóng lồng đáy nước
Nhạn không để dấu làm chi
Nước không giữ ảnh chỉ vì vô tâm


Bài thơ thiền sư dạy phương pháp để đạt đến chỗ tâm thanh tịnh, chúng ta phải tập như cánh nhạn bay trên trời cao mà hiện dưới đáy sông. Con người cũng vậy chuyện gì xảy ra ta thấy đừng giữ lại trong đầu. Khi tiếng nhạc thoáng qua tai rồi thôi. Cũng như nghe ai khen ai chê thoáng qua tai rồi thôi. Đừng suy tư để phải buồn vui, thương ghét.

Trở lại câu thơ: "Vân vô tâm thủy tự nhàn". Thi sỹ khuyên chính ông ta hãy như mây nương theo làn gió đến nơi đâu cũng được chẳng có gì để muộn phiền. Hãy sống nhàn hạ như giòng nước chầm chậm trôi đi muôn nơi.
Câu thứ ba: "Hà tất bôn xung sơn hạ khứ"
Câu này tác giả lấy giòng suối để trách cứ chính ông ta. Giòng suối đang ở trên đỉnh núi cao một cách thoải mái. Khi không ào ạt đổ xuống núi. Thi sỹ cũng vậy hăng say dấn thân từ lời nói đến hành động để rồi vua và những người chung quanh ai cũng chán ghét, ganh tỵ.
Câu thứ tư: "Cánh thiêm ba lãng hướng nhân gian". Giòng suối ở trên núi nhàn hạ thoải mái. đổ ào xuống thế gian để chịu thêm phiền toái sóng gió.

Tóm lại bài thơ tác giả nói lên nỗi đớn đau và chán chường khi xã thân xây dựng cuộc đời. Cuối cùng chẳng ai thương mến và nghĩ đến ông. Ông tự trách mình ngu dại. Oán hận chính mình để rồi đem tâm tư trút lên bài thơ.

Bản dịch của Nguyễn Phước Hậu

Trên đỉnh Thiên Bình suối Bạch vân,
Mây trôi vơ vẩn, nước làn nhàn.
Bôn ba chi lắm mau rời núi,
Sóng cả gió giông chốn thế gian.


--Bản dịch của Nguyễn Minh--

Bạch Vân suối ở núi Thiên Bình
Mây vốn vô tâm, nước chẳng tình
Sao lại phăng phăng tràn xuống núi
Thấm đời sóng gió với sinh linh.

--Bản dịch của Phụng Hà--

Trên núi Thiên Bình, khe Bạch Vân,
Nước trôi nhàn nhã, mây vô tâm.
Cớ chi bươn bả xuống đồng nội,
Chịu đời sóng gió, lắm thăng trầm.


--Bản dịch của Trần Văn Thường--

Suối Bạch Vân, núi Thiên Bình
Thong dong suối chảy, vô tình mây bay.
Cớ sao sinh sự đặt bày
Biến thành thác lũ đoạ đầy nhân gian.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét