Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Nghĩ từ trái tim - Đỗ Hồng Ngọc ngộ ra những điều kỳ diệu

BS ĐỖ HỒNG NGỌC
Có một vị bác sĩ tài hoa, sâu sắc và tinh tế đến vậy...

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, sinh năm 1940 tại La Gi, Hàm Tân, Bình Thuận.
Nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ –Tp Hồ Chí Minh. Là thầy thuốc ưu tú, tác giả nhiều tác phẩm văn học, y học, các công trình nghiên cứu về trẻ em và tuổi già. Cộng tác nhiều tờ báo  tại TP Hồ Chí Minh.
   
Là nhà thơ với bút hiệu Đỗ Nghê từ những năm 1960.Hội viên Hội nhà văn Tp. Hồ Chí Minh.
Mãi đến năm 1994, khi tập thơ thứ 3 “Giữa hoàng hôn xưa” ra mắt với tên thật Đỗ Hồng Ngọc thì người đọc hàng chục cuốn sách về y học với lối viết có duyên, nhẹ nhàng gần gũi cuộc sống của anh mới biết đó cũng là tác giả Đỗ Nghê. Nói như học giả Nguyễn Hiến Lê khi đề tựa tập “ Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò”(xuất bản năm 1972): “ Một bác sĩ mà lại là một thi sĩ thì luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị”. Sinh ra và một thời tuổi thơ ở La Gi (Bình Thuận) vốn là một miền quê bầm dập trong chiến tranh nên anh cũng nằm trong cảnh học hành trễ muộn. Khi hoà bình lập lại, bằng ý chí và sự thông minh của mình, Đỗ Hồng Ngọc lập ra một chương trình học nhảy ở bậc trung học, lấy được bằng Tú tài I, rồi II trong hai năm và d? dàng đậu đại học Y Sài Gòn. Dễ hình dung về anh hơn, qua cách vẽ của nhà thơ Đỗ Trung Quân: “Có một chàng thi sĩ một hôm vì lẽ gì đó bỏ đi làm thầy thuốc. Mười năm, hai mươi năm… anh cặm cụi chăm sóc, chữa lành, làm dịu nỗi đau của trẻ thơ…” Bài thơ đầu tiên của anh đăng trên tạp chí Mai, Bách khoa từ năm 1960 rồi liên tục Đỗ Nghê có mặt trên các tạp chí Tình Thương, Ý Thức, Tuổi Ngọc… Khổ nỗi từ hồi giờ trong ấn tượng nhiều người khi nghĩ rằng thầy thuốc, kỹ sư thì không thể lãng mạn viết văn làm thơ được. Có lần anh kể, lúc còn là sinh viên thực tập, đỡ được ca đẻ đầu tiên, xúc động quá viết ngay bài thơ “Thư cho bé sơ sinh”, sau đó còn đưa vào bản phúc trình chuyên môn nộp lên thầy. Thầy rầy: “Đỡ đẻ không lo đỡ đẻ, lo làm thơ!”. Vậy mà thơ vẫn không rời được anh. Suy cho cùng sự rung động của hồn thơ cũng rất cần thiết cho nghề. Năm 1967 tập thơ đầu tay Tình người ra đời trong bối cảnh đất nước chiến tranh, cuộc sống đô thị nhụa nhầy ngột ngạt thì với những bài như Tâm sự Lạc Long Quân, Tổ quốc, Ngôn ngữ, Lời ru, Thư cho bé sơ sinh… rất sâu sắc đã góp vào lời hát, tiếng thơ phong trào tranh đấu chống chiến tranh của lực lượng sinh viên học sinh yêu nước ở Sài Gòn.
          Trong tập “ Giữa hoàng hôn xưa” lảng đãng những bóng mây quê nhà và bạt ngàn gió biển như “ Mũi Né”, như “Đêm trên biển La Gi” và bất chợt ngỗn ngang trong lòng bao kỷ niệm tuổi học trò “Khi gặp lại” thì “Tóc nàng dài như biển/ Sóng từng cơn xao xác mặn trên môi…”.Đến tập thơ “Vòng quanh” (1997), những bài thơ như những vết lăn trầm, chiêm nghiệm xen lẫn những bài thơ viết ở trời Tây tuyết giá đọc thấy nao lòng, bởi anh không thể nào nguôi ngoai được nỗi đau khi mất đứa con gái đầu lòng. Anh đã khóc: “Mỗi năm/ Mỗi người/ Thêm một tuổi- Chỉ mình con/ mãi mãi/ Tuổi đôi mươi…” Trong một lá thư riêng, anh tâm sự “Những bài thơ viết cho La Ngà thì mình không dám đọc lại, mỗi lần đọc lại đều không cầm được nước mắt…
          Qua những bài thơ giàu cảm xúc và thấm đậm tình người dưới bút danh Đỗ Nghê, những người yêu thơ anh bất ngờ nhận ra đó là một bác sĩ. Rồi lại thêm bất ngờ nữa là hàng loạt bài báo, những cuốn sách y khoa viết về bệnh trẻ em, về lứa tuổi học trò, về những bà mẹ. Gần đây anh lại làm thêm vai trò thầy thuốc cho người đến tuổi già. Những tập sách khó mà phân loại là sách y học, văn học, bút ký đối với “Gió heo may đã về”,“Già ơi…chào bạn”, “Những người trẻ lạ lùng”… Với lối viết hóm hĩnh, giàu kiến thức xã hội làm cho người già nhận ra điều tất yếu để vui vẻ mà “sống chung với tuổi già” như người dân ở đồng bằng sông Cửu Long đã bao đời vô tư sống chung với lũ.
          Cuối năm 2003, Đỗ Hồng Ngọc cho ra tập “Nghĩ từ trái tim” càng làm cho những người yêu thích những bài báo tản mạn của anh viết về giáo dục, đời sống sức khoẻ con người lại thêm ngạc nhiên khi nghe Đỗ Hồng Ngọc luận về tâm-kinh-bát nhã theo cách nghĩ của mình và anh tự nhận: “Cũng là để làm một phương thuốc chữa trị bệnh cho chính mình”. Anh nói: “Nhiều khi mình viết cho người khác đọc mà mình quên đọc, quên làm theo lời khuyên của chính mình cho nên thầy thuốc cũng thường hay mắc bệnh, mà bệnh thì dễ nặng vì … chủ quan”.
          Có một tác phẩm đầy đặn, được người đọc yêu thích dễ chừng cả một đời người mài miệt, nhưng thèm sao với Đỗ Hồng Ngọc đã làm được nhiều việc quá!.. Ở lĩnh vực chuyên môn và trong văn chương được coi là thành đạt bởi anh có một phương pháp làm việc rất khoa học. Nguyên vẹn mẫu người  Nguyễn Hiến Lê trở thành tuyệt vời đối với anh ngay từ khi anh đọc tác phẩm:  Kim chỉ nam của học sinh, Gương danh nhân, Gương can đảm, Gương kiên nhẫn… đã dắt dẫn anh tiến thân bằng tự học, bằng cách điều phối với cả bản thân mình. Khi giao lưu trên báo Thanh Niên (số CN 8.2.2004) anh bộc bạch từ câu hỏi của một độc giả hỏi về sự thành công của mình khi biết anh là đứa trẻ mồ côi cha là nhờ đâu? “ Chính là nhờ mẹ tôi luôn động viên, khuyến khích,  bà là người rất có ý chí, lại nhờ cậu tôi là nhà văn Nguiễn Ngu Í dẫn đến trường và nhất là nhờ những cuốn sách của ông Nguyễn Hiến Lê đã ảnh hưởng lớn đến tôi…” Dù bận rộn với bao nhiêu việc ở bệnh viện, giảng đường, phòng mạch, viết sách… Đỗ Hồng Ngọc cũng giữ được cái nếp xưa là về với họ hàng, quê làng… Những lần gặp, tôi mới thấy anh mê biển một cách lạ lùng cho nên trong những bài thơ anh viết khá nhiều bài ắp đầy tình yêu của biển: “Hoàng hôn sóng vỗ bên trời biếc/ Sóng vỗ trong hồn ta ngẩn ngơ…
          Ở lời ngõ trong tập “Nghĩ từ trái tim” anh viết : “Trái tim không phải để suy nghĩ- Trái tim là để yêu thương. Khi trái tim nghĩ thì chắc cũng không nghĩ như khối óc. Trái tim có cách nghĩ riêng của mình mà nhiều khi khối óc không sao hiểu được…” Qua những bài thơ đằm thắm, những công trình biên khảo y học, những tạp bút, như tập  tản văn “Như Thị” (2006) về tuổi đời, lẽ sống mới thấy Đỗ Hồng Ngọc biết tạo ra sự hoà hợp và bắt trái tim hiểu biết. Những gì anh đã viết , chính là điều anh cảm nhận từ cách nghĩ riêng của mình. Và hơn thế nữa bằng tính cách của anh trong sự nghiệp và văn chương.
 
Nguồn tin : Phan Chính  

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và các tác phẩm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét