Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Tết quê & nỗi nhớ không tên

Tết quê

Đã 10 năm rồi bôn ba nơi đất khách quê người, tôi đã đi qua bao nhiêu danh lam thắng cảnh khắp mọi miền đất nước nhưng chưa có hình ảnh nào gợi cho tôi sự day dứt như hình ảnh nơi làng quê tôi, mộc mạc và bình yên, đặc biệt hơn là những ngày tết thời niên thiếu, tất cả vẫn đọng lại trong tâm trí tôi rõ mồn một.

Xem xong lịch thông báo nghỉ tết dán ở văn phòng đoàn trường, tôi hối hả quay về căn phòng trọ nhỏ bé để thu dọn mớ sách vở, vài bộ quần áo rồi nhanh chóng bắt xe đò về quê.

Từ xa xa thấp thoáng bóng làng quê hiện ra với hàng dừa uốn mình soi bóng nước và bụi tre già xào xạc cạnh sân nhà. Tết quê tôi không có băng rôn, khẩu hiệu, không có pháo hoa và cờ phướn….mà chỉ có hương xuân len trong gió lạnh, màu mùa xuân trong sắc vàng của nhành mai nở sớm, của hoa hướng dương và sắc hồng tím của những luống hoa cúc người ta trồng bán tết.

Ngày tết quê tôi là những ngày tôi phụ nội quét mạng nhện giăng đầy trên mái nhà, trên cửa sổ, và lau những lư hương bám đầy bụi thời gian. Là những buổi tôi theo Nội đi cắt từng lá chuối ngoài vườn về lau khô và chẻ thành từng miếng lớn cho nội gói bánh tét. Nội đem ra một rổ nếp to đùng thơm lừng, mấy bà cháu ngồi lựa hạt sạn như trong chuyện cổ tích tấm cám.

Ngày tết quê tôi là những ngày tôi và mấy đứa em xúm xít phụ nội buộc từng đòn bánh tét trong khi nội tôi vốc từng muỗng nếp trộn với nước cốt dừa vào giữa miếng lá chuối to, các em tôi chí chóe khoe nhau: “đòn bánh này tao buộc nè, đẹp hông”. Và đêm đó tụi tôi ngồi cùng Nội canh nồi bánh mà ngủ gà ngủ gật, để rồi chợt thức dậy khi nghe mùi nếp thơm béo ngậy xộc lên mũi.

Ngày tết quê là nồi thịt kho tàu và dưa cải chua ăn với bánh tét đã cắt khoanh mỏng, mấy đứa tụi tôi ăn hoài mà không biết chán. Sáng tôi dậy thật sớm ra vườn chọn cành mai đẹp nhất và chặt đem vào cắm ở bình hoa đặt trang trọng giữa nhà, rồi tôi phụ Nội dọn mâm cơm cúng bàn thờ tổ tiên. Xong đâu đấy, tôi và mấy đứa em mặc vào những bộ quần áo thật sạch sẽ thơm tho và chờ các Chú, Bác đến viếng để được tặng bao lì xì.

Ngày tết quê tôi là tiếng “ tùng!, xình!” của đoàn múa lân đi ngang qua, bọn con nít trong xóm líu ríu chạy theo sau mà quên mất đường về nhà.

Thời gian trôi qua thật nhanh, tôi đã ra trường, đi làm và bận túi bụi với công việc, năm nào tôi cũng được nghỉ tết đúng vào ngày cuối của năm và trở về quê khi nhà nhà đã chuẩn bị ăn tết. Hình ảnh tết làng quê năm nào lại nao nao trong lòng, năm nay chắc tôi sẽ dùng hết ngày phép để được trở về sống với ngày tết...như những ngày xưa.  
                                                                                              Jane Le


Người xa quê nhớ Tết


Trời lành lạnh, gió đổi mùa, cái không khí làm người ta vẫn thường hay nhắc với nhau “sắp đến Tết rồi”. Ừ, sắp đến Tết rồi! Không biết từ khi nào, cái không khí ấy làm lòng tôi nôn nao chi lạ. Không còn là trẻ con để được vòi vĩnh áo mới và bao đỏ lì xì, cũng không còn nhỏ để tranh nhau từng viên pháo lép ngoài sân, nhưng Tết luôn làm lòng tôi dâng tràn bao cảm xúc, và sống dậy trong tôi những hoài niệm bâng khuâng.
Tết, thiêng liêng và ý nghĩa, rực rỡ và diệu kỳ. Tết đánh dấu trong tôi những khoảng trời yêu thương không dễ gì phai nhạt. Dù đã trải qua biết bao nhiêu là Tết, nhưng những cảm xúc về tuổi thơ và Tết hình như vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua.
Gần Tết, tôi vẫn thích cái không khí rộn rã của ngày tảo mộ, nhà nhà người người xách cuốc xách xẻng đi tảo mộ Ông Bà, một lễ hội đẹp mang dấu ấn của lòng hiếu thảo và hướng về nguồn cội tổ tiên. Hình ảnh ấy vẫn thường làm tôi xúc động trong những mùa Tảo mộ từ suốt những năm tháng tuổi thơ. Tôi nhớ Ngoại tôi, nhớ cái dáng liêu xiêu lưng còng, tóc trắng của Bà lê từng bước ra vườn viếng mộ, rồi cặm cụi trồng lại mấy khóm hoa cho Ông Bà vui Tết. Bà hay nhắc nhở con cháu “Sống phải biết nguồn cội, tổ tiên mới thành người được”.
Rồi đến ngày “Đưa ông Táo về trời”, tôi nhớ những chiều 23 tháng Chạp, khi trời lành lạnh, và những bông hoa vạn thọ bắt đầu rực rỡ ngoài sân, Mẹ sai tôi dọn dẹp bếp núc, lấy  bịch thèo lèo đổ ra dĩa và xẻ trái dưa ngon cho Mẹ cúng tiễn đưa ông Táo về trời. Mỗi một năm chỉ được ăn dưa vàp dịp Tết nên trông mâm cúng kiến mà thèm thuồng, lũ trẻ chúng tôi chực chờ trông cho mau tàn nhang để được phá cổ. Cái cảm xúc ấy cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn khao khát, không phải vì miếng dưa mát lạnh hay viên thèo lèo béo ngậy xưa, mà một không khí chuẩn bị đón Tết có đầy đủ thành viên trong gia đình, có anh em cùng quây quần bên mâm bánh mứt trong đêm 23 Tết... giờ chỉ còn là hoài niệm !!! 
Những ngày cận Tết, mỗi buổi tối Ngoại tôi hay gom vỏ dừa đốt thành đống lửa to giữa sân, vừa để un muỗi, vừa để nướng bánh phồng, bánh tráng. Người lớn bày biện bình trà ra sân, nói chuyện mùa màng và những thành tựu đã qua, trẻ con vui đùa xung quanh chờ ăn những cái bánh vàng ruộm do chính tay Ngoại quết, tráng, phơi và nướng. Tiếng nỗ lép bép của lửa than, cùng với tiếng xành xạch trở đều tay của bánh phồng bánh tráng nướng trên lửa than, không biết từ khi nào đã trở thành một âm thanh đặc trựng trong những ngày Tết quê tôi, trong ký ức tôi, âm thanh ấy vẫn còn nguyên vị ngọt ngào và thơm phức.

Tôi nôn nao chờ đêm 30 để được đón giao thừa, để được thấy Ba Mẹ chỉnh tề khấn vái trước một mâm đầy bánh mứt, không khí trang nghiêm thời khắc giao hòa thường làm cho tôi xúc động từ thuở còn là một đứa trẻ. Và tôi thích nhìn cảnh tượng hoành tráng khi ba tôi châm ngòi dây pháo chào đón khai niên, trong lúc ấy bất ngờ đì đùng khắp nơi tiếng pháo vang giòn giã. Tuổi thơ đã một thời xa ngái, tiếng pháo xưa đã mãi mãi đi vào miền thăm thẳm, chỉ có tôi là năm nào cũng ngồi nhớ nhung tiếc nuối...

Đêm giao thừa, cả nhà thay phiên thức canh nồi bánh tét. Tôi được ưu tiên không phải thức vì ngày mai tôi còn mang một trọng trách thiêng liêng cao cả: xông đất. Tôi phải ngủ thẳng giấc để ngày mai xuất hiện trong một dung nhan tươi thắm, rực rỡ nhất. 
Không biết từ khi nào tôi đã mang cái trọng trách thiêng liêng này. Nghe nói tuổi tôi hợp với tuổi chủ nhà (Ba Mẹ), nếu tôi xông đất thì trong năm gia đạo được an khang thịnh vượng. Vì thế mà cứ hễ sáng mồng 1 Tết hằng năm, nhiệm vụ của tôi là ăn mặc xinh tươi như hoa, đi ra đường và giả bộ làm khách đến viếng thăm nhà…của tôi.
 Tôi được chủ nhà mời trà bánh, đóng vai làm khách nên tôi phải chúc tết chủ nhà, và được chủ nhà lì xì… Một năm mới bắt đầu mở ra với tôi bao giờ cũng là một buổi sáng đầu năm tươi tắn, hân hoan, tràn trề sức sống…
 thèo lèo
Tuổi thơ trôi qua, êm đềm như dòng sông trước ngõ, vài cái Tết đã qua không còn Ngoại nhắc nhở con cháu ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tảo mộ. 
Tôi rày đây mai đó cho cuộc mưu sinh không kịp về viếng mộ Ông Bà những ngày trước Tết. Tiếng nỗ lép bép của bánh tráng, bánh phồng trên củi than đỏ rực giờ đây sao mà thèm thuồng quá đỗi!!! Các cháu tôi bây giờ cũng chẳng thèm viên kẹo thèo lèo để nôn nao phá cỗ  đêm 23 đưa ông Táo về trời!!! Gia đình tôi giờ không còn đủ mặt để tính tới chuyện ai “hạp tuổi” ai mà chọn người xông đất đầu năm!!! Tất cả chỉ còn là hoài niệm,... để năm nào khi trời trở gió, tôi cũng mơ về những cái Tết xưa, và mơ về một không khí yêu thương đầm ấm bên gia đình, lòng nôn nao chi lạ…
Người viết: Toilaquynh-----------------------

TẾT QUÊ TÔI


Trời tháng chạp lạnh căm
Mưa phùn bay lất phất
Nhà nhà lo Tết nhất
Biết nói buồn hay vui...
Dây khoai quẩy mấy gùi
Buồng chuối, vài chục trầu
Chẳng thấm thoát vào đâu
Cũng tưng bừng chợ Tết

Những trẻ thơ lết thếch
Theo Mẹ mua áo quần
Dù gì cũng là xuân
Lẽ nào không dép mới
Cô hàng xén đứng đợi
Chị nhà quê đếm tiền
Trừ những thứ ưu tiên
Mai còn mua dầu gội

Anh nông dân lặn lội
Xách giỏ, cáp con gà
Bán vội còn may ra
Mua thuốc thơm, rượu đế
Biết nói buồn hay vui
Tết quê tôi là thế
Ba ngày vẫn rung đùi
Mời nhau tràn rượu thịt

Nào bánh tổ, bánh ít
Nào bánh tét, bánh chưng
Vợ lo làm mức gừng
Chồng loay hoay gói nem
Con ra chợ mua thêm
Bịch hột dưa, gói trà
Nhành mai, vài bó hoa
Cho cửa nhà sáng sủa

Bàn thờ mâm ngũ quả
Nhan, đèn nghi ngút bay
Tổ tiên có về đây
Nghĩ cháu con sung túc
Sáng Mồng Một đi chúc
Tốt lành và no đủ
Chuyện giận hờn năm cũ
Nếu có cũng gút bai*

Tôi về quê ăn Tết
Thấy buồn trong cái vui
Buồn vì nỗi ngậm ngùi
Quê nhà còn khốn khó
Vui vì thấy trong đó
Người người vẫn vươn lên
Nhọc nhằn tạm lãng quên
Lạc quan chờ năm mới.
Ghi chú: *gút bai = good bye
Tác giả: Dương Quang Anh-------------
Gia Đình là mùa xuân yêu thương!
Hơi thở mùa xuân đã bắt đầu len lỏi vào khắp đất trời. Nắng mỗi ngày một vàng hơn và gió xuân đang thổi vào lòng người những cảm xúc nôn nao khó tả trước thời khắc giao mùa. Một mùa xuân mới lại sắp về! Có lẽ trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam chúng ta, Tết Nguyên Đán là một dịp lễ quan trọng và mang ý nghĩa thiêng liêng bậc nhất trong năm. Mùa xuân là mùa của yêu thương và Tết là dịp các thành viên trong Gia Đình sum họp, quây quần bên nhau trong bầu không khí ấm cúng, thân thương để đón chào một năm mới. Tôi chợt nhớ lại những cái Tết tuổi thơ của mình đã trôi qua thật êm đềm và hạnh phúc biết bao.
Những kỷ niệm đó dù đã nhiều năm trôi qua nhưng vẫn còn rõ nét và nguyên vẹn trong tôi. Ngày ấy, niềm vui hồn nhiên của trẻ thơ vào dịp Tết là khi được cùng Ba Mẹ xuống phố đi chợ Tết; rồi xúng xính diện quần áo mới đi chúc họ hàng hay là mỗi khi nhận được phong bao lì xì đỏ chói cùng với những lời chúc mừng tuổi mới. Rồi thời gian dần trôi , những cảm nhận về Tết trong tôi đã mỗi ngày mỗi khác, phải chăng từng mùa xuân qua đi là từng bước đánh dấu sự trưởng thành của con người trong nhận thức. Tôi cảm thấy niềm vui đón xuân bây giờ không chỉ là được ăn ngon mặc đẹp như ngày còn thơ, mà còn là niềm hạnh phúc vô bờ khi được thưởng thức hương vị yêu thương trong món măng kho Mẹ nấu. Niềm vui đâu chỉ giản đơn như khi đưa tay đón nhận một phong bao lì xì, mà còn là sự ấm áp trong tâm hồn khi nhận được sự yêu thương và quan tâm từ những người thân . Nếu như Tết của ngày xưa hiện về thân thương trong tình cảm chở che, bao bọc của Ba Mẹ thì Tết của hôm nay là cái Tết của một đứa con đã trưởng thành hơn khi biết cùng Ba xuống phố chọn một cành mai chơi Tết, bên Mẹ loay hoay dọn cỗ cúng giao thừa, hay là lúc chợt cảm nhận một niềm vui khó tả bỗng dâng lên khi lì xì cho nhóc em và thấy ánh mắt sáng lên vì vui sướng của thằng bé.
Rồi đây trên đường đời, có lẽ những cái Tết về sau sẽ bận rộn hơn rất nhiều khi con người ta bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc sống bộn bề lo toan và đầy trách nhiệm, nhưng tôi tin rằng mùa xuân vẫn mãi làm trái tim ta reo vui và rung động như ngày nào khi những tia nắng yêu thương từ bầu trời gia đình luôn tỏa sáng. Hạnh phúc đơn sơ của tôi mỗi độ xuân về là được góp chút sức bé nhỏ vào một cái Tết thêm vui và đầm ấm cho Gia Đình. Xuân đến, khi những cánh én nhỏ bay về nơi nắng mới, thì những người con dù ở phương nào của đất nước cũng sẽ về đoàn tụ bên Tổ Ấm thân thương. Như một bông hoa cất tiếng hát cảm ơn Đời,tôi xin cảm ơn Gia Đình thân yêu đã mang đến cho tôi những mùa xuân trọn vẹn và đầy ý nghĩa.Xuân sang Tết đến, chúc cho đất nước một năm mới thái hòa , người người Việt Nam, kể cả những kiều bào nơi phương xa không được nhìn thấy cành mai chớm nở nơi quê hương cũng sẽ đón một cái Tết an bình và hạnh phúc . Hãy luôn nhớ rằng dù bạn là ai và đang ở nơi đâu trong cuộc đời này thì nhất định mùa xuân đẹp nhất rồi cũng sẽ đến, vì với mỗi chúng ta ,Gia Đình mãi mãi là mùa xuân yêu thương!
Người viết: tramnguyen204----------------------------------

Xuân Xưa - Xuân Nay
Người viết: tovankhanh
(Tết năm 1990)
Xuân đã về theo cơn gió xôn xao
Đàn chim én rủ nhau về đón Tết
Nhành mai thắm khoe sắc vàng rực rỡ
Trước hiên nhà, mình chờ Mẹ... chợ tan

Chị Hai đứng, ngồi... nóng cả ruột gan
“Chợ Tết đông chắc Mẹ về trễ lắm...”
Chị Ba hướng mắt nhìn nơi... xa thẳm
Em mơ màng... nồi bánh tét đêm nay

Rồi Mẹ về, nặng trĩu cả hai tay
Nào là nếp, nào hạt dưa, mứt bí...
Hạnh phúc nhỏ đong đầy từng ánh mắt
Nhà mình nghèo nhưng tràn ngập niềm vui...

Tết ùa về cùng tiếng pháo nôn nao
Con mực sợ, trốn vào trong kẹt tủ
Nơi góc bếp, cả nhà mình đông đủ
Tiếng cười đùa hoà lẫn tiếng pháo xuân

Đêm giao thừa, nồi bánh tét reo vui
Dưới mái hiên, chị em cùng canh lửa
Thằng Út ngủ gật gà bên chân Mẹ
Cứ nhắc chừng “giao thừa nhớ kêu con...”

(Tết của hai mươi năm sau...)
Thời gian là dòng nước chẳng ngừng trôi
Trước sân nhà, cây bao mùa thay lá
Tóc Mẹ hóa hoa răm... từ lâu lắm
Chúng con giờ là... những cánh chim bay...

Xuân lại về, nhưng đã khác xuân xưa
Nhành mai buồn nên không khoe sắc nữa
Đàn én về... sao chẳng còn ríu rít?
Dưới hiên nhà chỉ mình ... Mẹ ngồi trông!

Chúng con giờ vui hạnh phúc nơi xa
Đâu còn nhớ buổi chiều ngồi chờ Mẹ
Tuổi thơ ấy thoảng qua theo cơn gió
Câu “ví dầu, cầu ván...” bỗng rưng rưng...

Mẹ lần tìm ... miền kí ức ngày xưa
Nồi bánh tét vẫn còn nguyên nỗi nhớ
Bên bếp lửa, Mẹ khơi... từng kỷ niệm
Cơn gió dường như... bật khóc trong đêm...

...“Tới giao thừa, kêu con thức, Mẹ nghen...”
Câu nói cũ chợt vang lên rất khẽ
Út của Mẹ đã quay về với Mẹ
Hạnh phúc vỡ oà... trong khoảnh khắc xuân sang...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét