Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Cho con điều tốt nhất


Thời gian dành cho con: Việc rất khó trong thời buổi hiện đại - bận rộn này, nhưng còn việc nào đáng làm hơn?
  Love is a better teacher than duty - Albert Einstein -
Ngày nay, mở miệng ra là bố mẹ than vãn “bận lắm, tối mắt tối mũi, đủ thứ phải lo, không có thời gian làm gì khác (ý là ngoài việc hoàn thành công việc và kiếm tiền)” v.v... Phải chăng điều này quá rõ, hiển nhiên và mặc định tới mức mỗi người chúng ta cứ thế thừa nhận?
Điều này không có gì khó hiểu. Xã hội Việt Nam ta mới chỉ chớm bước vào thời kỳ học tập cách để trở nên chuyên nghiệp, và mon men cố bắt chước các nước công nghiệp. Ai cũng vất vả thời kỳ này – ý tôi muốn nói người lao động.
Việc dành thời gian cho con cái, nhất là cho việc học tập của trẻ con trở nên khó khăn hơn. Khi việc kiếm tiền khó khăn, thì sự ưu tiên phần quỹ thời gian eo hẹp dành riêng cho các con lại càng bị giảm đi. Đây là một sự thật khó có thể chối cãi, không riêng với ai, bất kể giàu nghèo hay tầng lớp cao thấp trong xã hội.
Tuy vậy, chúng ta sẽ sớm nhận ra đây là sai lầm lớn nhất trong cuộc sống, nếu không cải sửa điều này.
Đúng, với tình hình hiện tại, và có thể còn tiếp tục trong tương lai dài nữa (khi sự cạnh tranh sinh tồn, vươn lên trong xã hội ngày một khốc liệt hơn), dành được thời gian cho con cái, đặc biệt là chăm sóc – học hành cùng với các con sẽ là điều ngày một khó khăn, thách thức hơn.
Nhưng hãy tự hỏi: Trong số các việc khó khăn, thách thức ở cuộc sống này, việc gì đáng để chúng ta phải làm hơn chính việc đang nói này?
Câu hỏi trả lời có lẽ chỉ giản dị thế này: Chẳng có việc nào quan trọng hơn được việc này, xét trên số đông, và xét về ý nghĩa với từng gia đình.
* Với trẻ em:
Khi đứa trẻ được bố mẹ dành thời gian, chúng tự tin hơn. Chúng biết có thể cố gắng, có thể thất bại, nhưng chúng không cô độc. Sự tự tin là cần thiết ở giai đoạn đầu của cuộc sống, ít nhất cũng 15-18 năm đầu tiên.
Được quan tâm – mà biểu hiện rõ nhất là “chiếm tỷ trọng thời gian lớn của bố mẹ”, người chúng yêu quý nhất – những đứa trẻ có thể coi là hạnh phúc. Hạnh phúc là men quan trọng cho tâm hồn chúng phát triển hài hòa, đẹp đẽ và giàu tính nhân văn.
Bên cạnh bố mẹ, qua việc cùng học tập, nhận thức của trẻ con sẽ trưởng thành và toàn diện hơn... là tự loay hoay. Ngay cả khi mắc sai lầm và sửa... là một phương pháp nhận thức mà chúng ta – những cha mẹ đang mong con mình phát triển tốt đẹp – sử dụng để dạy trẻ, thì ta cũng chẳng muốn đứa bé mắc quá nhiều sai lầm, theo cách khó tiến bộ, và nỗ lực một cách tuyệt vọng chỉ vì thiếu đi thời gian dành cho bé.
Sự giao tiếp, quan sát và “cọ xát” sớm, trong không khí đáng tin cậy, cũng là một vũ khí mạnh mẽ của đứa bé, vốn chưa có gì để tin vào bản thân. Đây cũng là những kỹ năng mà chúng sẽ cần sau này, 15-20 năm sau, khi bước vào cuộc sống thật đầy khốc liệt. (Ai sẽ muốn là kẻ không biết giao tiếp, kém đường ăn nói, giương mắt nhìn mà chẳng quan sát thấy gì hay chỉ biết đau khổ khi phải va vấp với thất bại hay cọ xát với những thực tế gai góc?) Vậy sao không giúp bé ngay từ phút này, trên bàn học, với khoảng thời gian riêng?
 
* Với cha mẹ:
Học với con là được sống với con, ở một góc độ khác, với kiểu niềm vui khác và đối diện với một trách nhiệm hoàn toàn khác. Tại sao chỉ có đi tắm biển, hay du lịch, hay ăn nhà hàng KFC mới là niềm vui? Tại sao sự vất vả của một buổi học, đổi lại phần thưởng là đứa con yêu quý có thể tự tin viết một câu văn, hay cộng nhẩm một phép tính, lại không lớn hơn được mấy giờ ở bờ biển Đà Nẵng?
Sự ám ảnh của người lớn chẳng qua là một thứ định kiến vô căn cứ mà thôi. Tôi không tìm thấy phép liên hệ giữa sự hưởng thụ của thời gian chơi bên bờ biển với sự tiến bộ tinh thần, trí não của trẻ. Tóm lại, không gì thay được thời gian của bố mẹ bên đứa trẻ trong công việc quan trọng nhất của chúng: "học tập".
Học với con giúp bố mẹ tiết kiệm tiền học thêm. Tôi có anh bạn, nhà báo hiện viết cho tờ Vietnamnet (online), có triết lý hay: “Khi tôi không thể kiếm nhiều tiền hơn cho gia đình, tôi sẽ làm nhiều công việc để gia đình có thể tiết kiệm bớt chi tiêu. Đó là cách tôi tự tăng thu nhập.
Triết lý này của anh tôi cho rằng đúng một cách hoàn hảo với việc học tập với con mình. Nó đúng, vì chúng ta có thể dạy con, chỉ cần sự kiên nhẫn và tình yêu thương. Nhưng nó hoàn hảo ở một điểm khác.
Bố mẹ sẽ là người thầy hoàn hảo của mỗi đứa trẻ vì không ai trong sâu thẳm là người mong đứa bé trưởng thành hơn được bố mẹ.
Với khao khát này – tôi nhấn mạnh là khao khát thật sự – thì cha mẹ sẽ hiểu: Mình thiếu phương pháp giáo dục gì? Tại sao con mình chưa dễ tiếp thu điều mình nói? Liệu mình có cần trang bị thêm kiến thức hay thay đổi cách trò chuyện? v.v... tất cả chỉ để trở thành “bạn học tốt” của đứa trẻ do chính mình sinh ra.
Vậy là chính bố mẹ được “lợi” cả trong hành trình khám phá năng lực và khiếm khuyết của bản thân, bên cạnh việc tiết kiệm.
Lợi ích cực lớn nữa của bố mẹ khi dành nhiều thời gian cho con là sớm quan sát những bước phát triển dù là tích cực hay tiêu cực, để còn uốn nắn, giúp đỡ hay ủng hộ kịp thời. Điều này thật quý.
Chúng ta đã đọc nhiều câu chuyện thực hay phóng tác kể về những người chỉ một khoảnh khắc nhận thức lại có thể giúp người bình thường trở thành vĩ đại, kẻ yếu ớt trở nên dũng cảm, kẻ tội đồ trở thành anh hùng… Nhưng chúng ta cũng cần hiểu rằng, những khoảnh khắc ấy có thể được tạo ra hàng ngày, ngay với những đứa trẻ đáng yêu nhất của mình, không nhất thiết phải trong tình huống đầy kịch tính, và chẳng cần đẩy ai vào phút giây nguy hiểm… Thời gian dành cho con để giúp con học mang cả ý nghĩa ấy!
Cuối cùng, dành thời gian cho con là sống với con, là sống phần đời hạnh phúc nhất của bố mẹ. Hoài nghi điều vừa nói chăng?
Ở phương Tây – Âu và Mỹ – tới 17 tuổi, hầu như tất cả những đứa trẻ mới lớn đều đã lên kế hoạch rời đi để sống tự lập. Nhớ rằng, đó không phải là đi thuê một phòng cách nhà bố mẹ 200 mét để dễ chạy về xin tiền như trẻ con Việt Nam hay Trung Quốc, mà là đi một bang khác, tỉnh khác, và hầu như chỉ còn giao tiếp với bố mẹ qua điện thoại (thậm chí ngay cả điện thoại cũng phải vào giờ và tần suất đã quy ước, tuyệt đối bố mẹ không tùy tiện).
Những ông bố bà mẹ Âu Mỹ ấy trân trọng từng phút họ ở với con cho tới trước khi chúng rời khỏi nhà, kiến thiết cuộc đời riêng, độc lập và tự do.
Người Việt chúng ta chưa như thế, vì văn hóa “4 thế hệ một nóc nhà” (tứ đại đồng đường) nhưng mọi thứ đang thay đổi. Các công dân trẻ đang toàn cầu hóa từng ngày. Rồi sẽ tới lúc, những ông bố bà mẹ Việt thế hệ mới cũng đếm từng tích tắc đồng hồ đợi con về thăm, và bồi hồi với từng chiếc ảnh của con cái thuở chúng còn ở cùng mái nhà.
Nói dài thế, hình như vẫn chưa đủ câu chuyện. Nói hơn thế cũng chỉ để nói đủ mấy chữ:
Hãy dành tối đa thời gian cho con. Hãy là người bạn học cùng tiến tốt nhất của con mình.”
By HQV
Giúp Con Học
to.be.continued............................................................................................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét