Thư mục: Tổng hợp
Đăng ngày: 10:31 23-04-2009
Trích từ blog Lifefun (cảm ơn LF)
Bản tính của Tâm thức. Trong tâm thức của con người, có Vô thức và Ý thức.
1/ Ý thức là gì: Trong đời sống , ta nhận thức tất cả
những hiện tượng, những sự kiện. Ta cảm giác, ta tư tưởng, ta nhớ, ta
phán đoán, ta suy luận, ta tri giác, ta chú ý... và được phân biệt ý
thức đối tượng và ý thức chủ thể.
a/ Ý thức đối tượng: Khi có đối tượng để ta ý thức về nó, ta cảm giác, ta tư tưởng, ta suy luận, ta tri giác ...
b/ Ý thức chủ thể: chỉ về bản thân ta, kinh nghiệm
nội giới (nội quan) ta nhận thức là ta đang cảm giác, ta biết ta đang tư
tưởng, ta biết ta đang suy luận, ta biết ta đang phán đoán ... như vậy
ta biết nội tâm ta; gọi là ý thức chủ thể.
2/ Vô thức là gì: có những khu vực mà ánh sáng của ý
thức không soi rọi tới, ta gọi là vô thức, và chia làm 2 loại: vô thức
đối tượng và vô thức chủ thể còn gọi là vô thức tài năng hay chức phận.
a/ Vô thức đối tượng là thiếu hẳn đời sống tâm linh, như thiên nhiên vô tri, vô giác.
b/ Vô thức chủ thể hay còn gọi là chức phận, thuộc về
chủ thể nhiều hơn, nghĩa là thiếu nội quan chủ động. Một đàng là ý thức
không thể biết được tất cả những sự kiện nội tâm, vì có hạn. Một đàng là
những sự kiện nội tâm đó, tuy rằng theo nguyên tắc, có thể được biết
tới, nhưng thực tế lại không được biết tới hay không bao giờ được biết
tới. nhưng không hẳn là ta thiếu ý thức chủ động, ta vẩn biết là ý thức
không thể soi rọi tới. Tóm lại, tất cả những sự kiện tâm linh đều ở
trong bóng tối của vô thức, tránh hay thoát khỏi hẳn ánh sáng ý thức, để
lúc ta không ngờ, lại hiện ra một cách tự phát và đột ngột, và ta nhận
thức được sự kiện qua ánh sáng ý thức.
Sự nhận thức của con người được biết qua 2 cách; nhận
thức trực tiếp khi trực giác, nhận thức gián tiếp qua suy luận, nhận
thức từng yếu tố khi phân tích và nhận thức toàn thể khi tổng hợp. Trực
giác và suy luận, phân tích và tổng hợp là những phương cách của tư
tưởng, trong cuộc sống ta nhận thức qua những cách trên, chúng ta chỉ có
thể phân biệt chúng mà không thể tách biệt được chúng. Chúng hợp thành
một toàn khối hết sức linh động giúp con người nhận thức, khám phá và
chứng minh chân lý.
Trong sự nhận thức suy luận là cách biết gián tiếp qua nhiều phán
đoán rồi mới tới kết luận muốn tìm hay chứng minh. Suy luận có những đặc
tính: gián tiếp là lối đi đường vòng, qua trung gian. Trừu Tượng: những
mệnh đề trung gian là những ý niệm đối tượng, tổng quát, trừu tượng
(người, bàn, ghế, sự sống, sự chết...) Dễ thông tri: nhờ phát biểu bằng
ký hiệu ngôn ngữ chung, ta có thể thông tri cho người khác hiểu điều ta
muốn. Có 3 yếu tố của suy luận:
a/ Diễn dịch: là lối suy luận đi từ nguyên lý chung đến hậu quả riêng của nguyên lý, hoặc đi từ mệnh đề đã biết đến mệnh đề phải chứng minh, coi như hậu quả tất yếu của mệnh đề kia. Ví dụ: Mọi người đều phải chết (tổng quát) Tôi là người, Tôi phải chết (riêng biệt)
b/ Quy nạp: là lối suy luận đi từ những trường hợp
riêng đến một trường hợp chung hoặc đi từ mệnh đề chủ qui đến mệnh đề
thụ qui. Ví dụ : A-B-C-D là những con người lãng mạn, mà A,B,C,D lại là
nghệ sĩ. Vậy nghệ sĩ là những người lãng mạn.
c/ Lý luận loại suy: là lối suy luận đi từ trường hợp riêng đã quan
sát này đến trường hợp riêng chưa quan sát khác, nhờ sự tương đồng giữa
hai trường hợp. Ví dụ: đất liền có không khí và có người ở, hoang đảo có
không khí, vậy hoang đảo cũng có người ở (bấp bênh, nhưng phong phú có
thể đúng và có thể sai, cần kiểm chứng).Trực giác là sự nhận thức trực tiếp ngay đối tượng mà không qua trung gian, trực giác có 6 loại, 4 loại trực giác: trực giác giác quan,tâm lý, thuần lý, tổng hợp thì được ánh sáng ý thức soi tới. Trực giác phát minh và trực giác tâm linh thì ẩn nơi bóng tối của vô thức; khi ý thức hoàn toàn không soi tới, nhưng vấn đề đã có từ lâu ta muốn giải quyết, thì từ nơi sâu thẳm của vô thức đột phát khiến ta nhận thức trực tiếp và chớp nhoáng một thực tại hay một giá trị đói với kinh nghiệm khả giác hay khả niệm.
Như vậy, trực giác và suy luận có những điểm giống nhau và khác nhau: 3 điểm giống nhau. Cả hai đều là phương pháp khác nhau của tư tưởng dùng để nhận thức. Cả hai cần có nhau để được một nhận thức đúng. Cả hai đều cần thiết cho khoa học và có 3 điểm khác nhau: Trực giác nhận thức trực tiếp, suy luận nhận thức gián tiếp. Trực giác nhận thức cụ thể, suy luận nhận thức trừu tượng. Trực giác khó thông tri, suy luận dễ thông tri.
Trực giác giúp cho suy luận: (khởi điểm cho suy luận, hướng dẩn suy luận, tổng hợp cho suy luận). Suy luận giúp trực giác: (chuẩn bị cho trực giác, kiểm soát trực giác, làm sáng tỏ trực giác).
Từ những phân tích và diễn giải trên, ta mới hiểu được cách nào để đi tìm bản ngã của ta và cũng như của loài người, ngõ hầu để nhận thức thật sự về chính bản thân mình và cũng là của mọi người. Đó là "Bản Tánh" thật của con người và là Chân lý. Như vậy bằng suy luận ta chẩn bị cho một trực giác tâm linh. Tìm lại chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét