Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Cái bẫy của ước mơ về sự an toàn trong công việc

GK. Chesterton – Nhà thơ, tiểu thuyết gia, kịch tác gia, nhà báo người Anh, nổi tiếng với những chuyện kỳ ảo - đã có một câu nói như thế này: “Nhiều người đã dùng phép ẩn dụ chết người khi nói về sự tiến bộ như sau: Chúng ta đã để lại mọi thứ ở sau lưng để tiến lên phía trước. Họ không hề biết rằng cách nói này đã che đậy hoàn toàn bản chất thực của sự phát triển, đó là mọi thứ không phải được để lại sau lưng mà là được để lại ở ngay bên trong suy nghĩ của chúng ta”.

Cuộc sống luôn cần có một chút gì đó để yêu thích, một chút gì đó để ngưỡng mộ, một chút gì đó để say mê, một chút gì đó để lo lắng… và tất nhiên không thể thiếu một chút gì đó để ước mơ. Cuộc sống luôn là thực tại, còn ước mơ là vươn tới tương lai, và ai cũng có quyền ước mơ. Ước mơ của những con người bình thường là gì? Bạn thử nghe một câu chuyện như sau:
Một buổi sáng, như thường lệ Marti đang lái xe qua nhà hàng xóm để đến nơi làm việc, thì bỗng nhiên một vị thần linh xuất hiện ở chiếc ghế bên cạnh và hỏi: “Điều ước thứ ba của bạn là gì?”.
Marti giật mình hoảng hốt, cô ta gần như suýt nữa thì đâm sầm vào chiếc cột đèn. Sự cố gắng và mơ ước của cô lúc này là làm sao tránh bị xảy ra tai nạn. Sau khi thoát khỏi con đường vòng, nơi tai nạn chết người có thể xảy ra trong chốc lát, cô dừng xe lại và liếc sang vị thần bằng một cái nhìn giận giữ và gần như thét lên: “Tôi làm sao có được điều ước thứ ba khi mà chỉ suýt nữa thôi tôi cũng chẳng còn cơ hội để có được điều ước thứ nhất và thứ hai?”.
“Bạn đã bỏ lỡ hai điều ước đầu tiên rồi”. Vị thần bình tĩnh trả lời. “Chắc chắn những điều bạn mong ước nhất sẽ nằm ở điều ước đầu tiên, nhưng khi bạn chưa kịp nói ra điều ước này, thì tôi đã giúp bạn thực hiện điều ước thứ hai là đưa chiếc xe và chính bạn thoát khỏi lưỡi hái của tử thần và quay trở về đúng con đường mà bạn đã đi. Và mọi thứ đã trở về đúng như trật tự vốn có của nó, như trước khi bạn có bất cứ một điều ước nào cả và do đó, bạn chỉ còn lại duy nhất điều ước thứ ba thôi”.
Đã bị muộn mất giờ đi làm, Marti nghĩ về cuộc sống thường ngày sôi động và thốt lên: “Được rồi, mặc dù tôi không tin lắm, nhưng tại sao lại không thử ước mơ. Tôi mơ ước thế giới này sẽ biến đổi chầm chậm thôi và dừng lại ngay những chuyển động quá nhanh. Tôi mơ ước tôi được sống trên phố phường một cách thoải mái. Tôi mơ ước có sự ổn định và an toàn trong công việc, trong gia đình, và rộng lớn hơn là trong cộng đồng này. Tôi mơ ước cuộc sống sẽ dễ dàng dự đoán hơn và mọi thứ không bao giờ biến động”.
“Thật buồn cười”, vị thần linh nói sau khi tập hợp mơ ước của Marti và trong khoảnh khắc đã biến mất, và để lại lời nói: “Đó cũng chính là mơ ước đầu tiên của bạn đấy”.
Bạn cần phải suy nghĩ kỹ trước khi ước mơ về một điều gì đó, bởi vì rất có thể nó sẽ trở thành hiện thực. Những mơ ước về sự an toàn, ổn định và có thể dự đoán được trong cuộc sống là những mơ ước chết người. Nếu bạn càng đến gần những ước mơ nguy hiểm này, sự tăng trưởng sẽ bị kìm hãm và quá trình học hỏi của bạn sẽ bị giảm sút. Trong một thế giới đầy rẫy những biến động không ngừng như hiện nay, nếu như bạn thất bại trong việc thay đổi một điều gì đó, có nghĩa là bạn sẽ bị thay đổi.
“An toàn trong công việc” là một ví dụ mà mọi người hay mơ ước, nhưng chính điều này sẽ khiến bạn rơi vào đầm lầy mà không thể thoát ra được. Càng được an toàn trong công việc của mình, bạn càng dễ biến thành một người trì trệ, uể oải và bị mắc kẹt vào sự lạc hậu và lỗi thời. Tính an toàn trong công việc cao có nghĩa là bạn cảm thấy ít bị thúc bách về việc tăng trưởng, phát triển và xây dựng các kỹ năng mới cần thiết cho công việc của mình. Nó cũng dễ biến bạn trở thành nạn nhân của những thay đổi chắc chắn sẽ xảy ra trong công việc của mình, và sẽ dẫn đến việc bạn bị mất việc làm. Thật trớ trêu thay, sự an toàn trong công việc nhìn chung lại đưa bạn tuột xuống dốc một cách ít an toàn nhất.
Sự an toàn thật sự và bền vững chỉ đến từ sự tăng trưởng và phát triển không ngừng. Bạn không thể kiểm soát sự thay đổi, nhưng bạn có thể trở thành người tận dụng được cơ hội đến từ sự thay đổi. Nếu như bạn càng có ý thức cao về việc rèn luyện và phát triển bản thân, thì bạn càng dễ làm chủ những thay đổi không mong muốn bỗng chốc xuất hiện trước mặt bạn. Để làm chủ sự thay đổi và xây dựng cuộc sống có sự tăng trưởng và bền vững, bạn cần phải học cách để sống, chứ không phải chấp nhận sự ổn định trong từng giai đoạn của cuộc sống.
Các nhà lãnh đạo thường tập trung không ngừng vào sự tăng trưởng. Giống như nguyên tắc chi trả đầu tiên trong kế hoạch tài chính của bản thân bạn là dành một phần ngân quỹ để mua sắm những đồ dùng cá nhân, họ dành ít nhất 10% quỹ thời gian của họ cho sự tăng trưởng và phát triển cá nhân. Bước đầu tiên để tăng trưởng và phát triển chính là phải có ước mơ và khao khát vươn tới sự tăng trưởng và phát triển. Rất nhiều người và cả các tổ chức muốn thu hoạch được lợi ích đến từ sự tăng trưởng và phát triển nhưng lại quên gieo mầm cho những kế hoạch tăng trưởng cá nhân, và vun xới những thói quen tích cực của các nhân viên trong công việc.
Vấn đề cơ bản trong việc lãnh đạo nhân viên là phải biết cách dẫn dắt và giúp họ phát triển bản thân. Điều này có ý nghĩa trên cả hai phương diện, đó là phát triển kỹ năng (cách làm việc) và khuyến khích các giá trị vốn có ở từng cá nhân (cách tồn tại). Bạn càng đánh giá cao người khác, hay nói một cách khác nếu bạn có tình yêu dành cho mọi người, bạn sẽ càng quan tâm đến sự phát triển của họ. Bạn không thể bắt ai làm một điều gì đó nếu như họ không muốn. Những ông bố, bà mẹ bị hạn chế trong phát triển bản thân sẽ tốn rất nhiều thời gian và rất khó khăn trong việc dạy dỗ và rèn luyện kỹ năng cho các đứa trẻ. Các nhà quản lý hoặc lãnh đạo một đội ngũ nhân viên nào đó mà không coi trọng sự phát triển cá nhân dường như sẽ khó có thể lãnh đạo được sự tăng trưởng và phát triển của đội ngũ nhân viên hay toàn bộ tổ chức theo đúng con đường mà nó phải đi. Phát triển mọi người cũng là phát triển chính bản thân mình.
Nhà toán học Hy lạp, Euclid, một lần được thuê để dạy mô hình học cho người thừa kế ngai vàng Ai cập. Đó là một vị hoàng tử trẻ và có tính thiếu kiên nhẫn. Vị hoàng tử này không thích vận động. Ông ta đặc biệt chống đối lại cách học các công thức và lý thuyết trước khi vận dụng nó vào thực tiễn. Ông ta luôn đặt ra câu hỏi với nhà toán học: “Liệu có cách nào đơn giản hơn để tôi nắm bắt được vấn đề này không?”. Euclid đã đáp trả: “Khi nào chiếc vương miện có quá nhiều họa tiết mà hoàng tử sắp đội trên đầu trở nên chẳng có giá trị gì cả!”. Và câu nói tiếp theo của ông: “Không có con đường hoàng gia đối với việc học hành” đã trở thành câu nói nổi tiếng của nhiều thầy giáo từ thời đại này qua thời đại khác.
Việc học tập và rèn luyện kỹ năng sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nếu như nó không xuất phát từ một mục đích nào đó mà là cả một quá trình diễn ra liên tục. Một khi bạn đạt được bằng cấp, chứng chỉ hay công việc nào đó xuất phát từ niềm say mê, thì nó sẽ trở nên rất tự nhiên như khi bạn thư giãn, nghỉ ngơi hay là cảm thấy thích thú được ăn một loại hoa quả ưa thích nào đó. Do đó vấn đề nằm ở chỗ, bạn nên xem xét việc học hành hay thay đổi như là một giai đoạn hay một pha của chu kỳ sống.
Việc làm thế nào để tăng trưởng, phát triển không ngừng và khả năng thích nghi để thay đổi chỉ có được nếu bạn biết cách rèn luyện trong suốt cả cuộc đời. Nhà văn, nhà thần học nổi tiếng người Anh, John Henry Newman đã từng nói: “Sự phát triển là bằng chứng duy nhất của sự sống”. Nếu như bạn ngừng phát triển, bạn sẽ giống như một cái cây bị chết khô, thậm chí chỉ một cơn gió nhẹ thổi qua cũng khiến cành lá bị bẻ gẫy.
Giống như một nhà đầu tư thành công mà điểm xuất phát ban đầu nhiều khi chỉ là vài đồng đô la, việc học tập và rèn luyện là một thói quen được gom góp mỗi ngày một ít. Bạn đầu tư bao nhiêu vào quỹ đầu tư nào và khi nào đầu tư sẽ có vai trò quyết định để biến bạn thành người giàu có.
Tác giả của một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế kỷ XIX “Sự tự giúp đỡ bản thân” (Self Help) là ông Samuel Smiles - người Scottland đã tìm ra phương pháp “tự giúp đỡ bản thân” rất hiện đại. Trong đó, ông đã viết: “Các nhà kinh doanh thường có thói quen trích dẫn câu châm ngôn ‘thời gian là tiền bạc’ – nhưng thực ra nó còn có ý nghĩa nhiều hơn thế. Sự vận động của thời gian góp phần tạo nên nền tảng văn hóa, sự tiến bộ của cá nhân, và sự phát triển của nhân cách. Nếu thay vì mỗi ngày lãng phí mất một giờ đồng hồ vào những chuyện vặt vãnh và dành thời gian đấy để tự rèn luyện và phát triển bản thân, thì một người đàn ông ngu ngốc và dốt nát cũng sẽ trở thành khôn ngoan chỉ sau một vài năm. Anh ta cũng có khả năng trở thành một nhân viên giỏi trong công việc được giao, và biến cuộc đời mình thành một cái cây rất sai quả, để rồi đến cuối cuộc đời nhận ra rằng mình đã gặt hái rất nhiều kỳ công có giá trị. Kết quả của việc mỗi ngày chỉ dành ra 15 phút để tự rèn luyện bản thân sẽ được cảm nhận rất rõ vào cuối năm đó”
Tuấn Anh (Dịch từ Clemmer)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét