Người ta hay gắn Từ Huy
với Thanh Tùng, có lẽ vì hai người đứng tên chung ca khúc nổi tiếng một
thời dành cho cuộc thi Hoa hậu áo dài Tp. HCM lần đầu tiên: Một thoáng quê hương
ca ngợi vẻ đẹp của tà áo dài truyền thống, của người con gái xứ Việt.
Nhưng xem ra, nhạc Từ Huy trẻ hơn nhạc Thanh Tùng nhiều về cả hình
thức lẫn nội dung, khá gần với chất trẻ trung của Nguyễn Ngọc Thiện.
Bắt
đầu sáng tác từ sau giải phóng, chàng trai Quảng Nam 27 tuổi khi ấy (Từ
Huy sinh 15/10/1948) viết ra những ca khúc đầy sức trẻ. Chất trẻ trong
âm nhạc Từ Huy được thể hiện đa dạng về cả hình thức lẫn nội dung. Lãng
mạn ngọt ngào như Ngày em đến, Ru em, Nếu biển không có sóng
mơ về tình yêu lứa đôi lý tưởng, nhí nhảnh trẻ trung kiểu tình yêu học trò trong Bất chợt chiều thứ 7, Vì sao, Mong đợi ngậm ngùi
, thậm chí rock mãnh liệt với Lãng quên đi mà Hồng Nhung, Thanh Lam từng hát, Hãy đàn lên Mỹ Lệ trình bày.
Thời
điểm nhạc nhẹ Việt phát triển cực thịnh những năm 90 là khi ca khúc Từ
Huy được hát lên khắp nơi, từ những cuộc thi hát, hội diễn văn nghệ học
sinh sinh viên cho đến các tụ điểm, sân khấu lớn. Nhạc anh được giới trẻ
yêu mến bởi sự gần gũi về tâm lý, tình cảm, lại dễ hát nhưng không sa
vào kiểu dễ dãi mà ca từ luôn chắt lọc, tinh tế và đẹp. Ru em qua tiếng hát Bằng Kiều và Ngày em đến
với giọng ca Hồng Nhung có thể xem là hai trong số những bài hát xuất
sắc và thành công nhất của anh, bởi đến bây giờ chúng vẫn không hề cũ.
Khá
nhiều tên tuổi ngôi sao ca nhạc khi ấy thường xuyên hát ca khúc Từ Huy,
phần lớn là nữ: Cẩm Vân, Thu Hà, Thủy Tiên, Hồng Nhung, Thanh Lam, Trần
Thu Hà .v.v. Cái không may là anh chưa tìm được giọng ca riêng cho âm
nhạc của mình. Nhưng chẳng sao, miễn là những bài hát ấy được ở lại
trong lòng công chúng. Sau 4 album cassette (Nhật ký tình yêu, Dường như mùa xuân, Tuổi biết yêu, Ngày em đến), và 3 CD (Tết và những ngày vui, Đêm nhớ, Cơn mưa chiều Chủ nhật), anh đang chuẩn bị cho đêm diễn tác giả - tác phẩm đầu tiên của mình vào 23 - 24/4 tới tại phòng trà M&Toi.
Nhạc sỹ Từ Huy bây giờ đã thuộc thế hệ U60, vậy mà nhạc anh có vẻ ngày càng trẻ trung hơn với Con gái Sài Gòn tinh nghịch khỏe khoắn Thanh Thảo hát gây cơn sốt cách đây chưa lâu. Sáng tác mới Thiên thần buồn
do ca sỹ trẻ Như Y1 biểu diễn lại càng sôi động bốc lửa
Với trên 70 ca
khúc đã công bố, mỗi ca khúc là mỗi dấu ấn trên chặng đường sáng tác,
âm nhạc Từ Huy mãi là những giai điệu của tình yêu và tuổi trẻ.
Nha sỹ kiêm nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện
cũng viết nhạc trẻ, trẻ hơn cả đồng nghiệp Từ Huy bởi anh chuyên sáng
tác cho lứa tuổi học trò. Sinh 1951 tại Sài Gòn, sáng tác từ thời sinh
viên, đến thời điểm những năm 1980, tên tuổi anh được biết đến rộng rãi
với ca khúc Ơi cuộc sống mến thương (sáng tác đầu tay năm 1979)
làm nhạc hiệu cho Đài phát thanh Tp .HCM mỗi buổi sáng. Giai điệu giản
dị cùng ca từ trong sáng yêu đời của bài hát này nhanh chóng được công
chúng mọi lứa tuổi yêu mến. Cũng có thể xem đây là ca khúc tiêu biểu và
là tuyên ngôn nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Thiện: Này chú chim ơi,
cho ta nhắn gửi lời hát yêu thương trong trái tim mọi người. Cuộc sống
hôm nay tuy vất vả, nhưng cuợc đời ơi ta mến thương
Tiếp đó, một loạt tác phẩm cho tuổi học trò của anh như Này
người yêu nhỏ xinh, Kỷ niệm mùa hè, Cô bé dỗi hờn, Cô bé u sầu, Trò
chơi (Oẳn tù tì),Có biết không em, Cây điệp vàng, Người yêu nhé, Nếu em
là người tình, Hứa đi anh, Bao năm ta chờ em .v.v. càng góp phần
khẳng định tên tuổi Nguyễn Ngọc Thiện là nhạc sỹ của tuổi hoa niên mơ
mộng. Công chúng yêu quý anh bởi vẻ hồn nhiên trong ánh mắt, nụ cười
cũng như trong mỗi ca khúc, bởi không nhiều những nhạc sỹ tâm huyết với
lứa tuổi thanh thiếu niên.
Tình
yêu hiện hữu trong âm nhạc của anh là một tình yêu vụng dại và trong
sáng, hồn nhiên và tinh khiết của tuổi mới lớn. Ca khúc Này người yêu nhỏ xinh
một thời là bài tủ của nhiều đôi trai gái vừa biết yêu hát cho nhau
nghe
Những ca sỹ chuyên thể hiện âm nhạc nhí nhảnh của anh khi ấy như
Lê Tuấn, Quỳnh Lan, Thủy Tiên, La Sương Sương, Châu Tuấn .v.v. đã tạo
ra một phong cách âm nhạc học trò gắn liền với tên tuổi họ, tung hoành
trên nhiều sân khấu lớn.
Bên
cạnh dòng ca khúc tuổi học trò, Nguyễn Ngọc Thiện khiến nhiều người
ngạc nhiên khi cho ra mắt những bản tình ca có phần bi lụy. Chia tay tình đầu nức nở hay Thôi anh hãy về buồn ủ ũ khi mới nghe, chẳng ai nghĩ do anh sáng tác. Cơn mưa lao xao
chững chạc với tiết tấu nhạc hiện đại cũng là một bất ngờ khác. Thời
gian sau này, Nguyễn Ngọc Thiện ít sáng tác hơn, có lẽ do bận rộn với
nghề tay phải là bác sỹ. Ngoài viết nhạc, anh còn đặt lời Việt cho khá
nhiều ca khúc nhạc Hoa như Kiếp ve sầu, Chỉ còn mình anh trở thành hit
với tiếng hát Đan Trường. Không sung sức như xưa, song những đóng góp
của Nguyễn Ngọc Thiện cho nhạc nhẹ Việt có thể xem như những bông hoa cỏ
mùa xuân nhỏ bé nhẹ nhàng mà luôn luôn hiện hữu, thắm đượm.
Không tạo nên ảnh hưởng đặc biệt, âm nhạc đầy sức trẻ của
Từ Huy và Nguyễn Ngọc Thiện từ tốn bước ra và hòa nhập như một phần tất
yếu của đời sống nhạc nhẹ Việt thời đại mới mà không phải ai cũng làm
được. Chỉ thế thôi đã quý lắm rồi! |
(theo GĐX) |
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét