Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Những câu chuyện cảm động

Nguyễn Tất ThịnhHọc viện Hành chính Quốc gia

Thưa các Bạn, xưa nay Xấu nhiều, Tốt hiếm… nhưng Tốt luôn được ca tụng mà hướng tới, nhân bản. Xấu bị bài xích, lắm tai họa mà đi đến tự tuyệt… Xung quanh chúng ta là gì, nhiều điều Tốt không dễ nhìn thấy, cũng bởi hoàn cảnh xấu mà khó cảm để thông được…Nhưng nếu bước chân chúng ta đi tới, mở lòng mình ra, Thiện Tâm hơn…hóa ra điều Tốt vốn ngự trị trong mình mà rồi vì thế sẽ gặp được…

Những truyện ngắn dưới đây vốn dĩ của người khác, nhưng tôi đọc được, nghe thấy, nhớ mãi, ngồi biên soạn lại thật ngắn, với văn phong của mình. Bởi vậy mạn phép Tác giả, thậm chí tôi đã như dồn những tình cảm của mình (bởi chính tôi trải qua với những con người và cảnh huống tương tự ), để chắt lọc hơn tinh thần của truyện và gửi đến các bạn… Ôi! Để Tốt cũng không khó lắm đâu ! Cần đến thái độ sống tích cực và vì nhau… có phải không nhỉ ?

Chuyện 1 : Bữa tiệc đêm trong nhà vệ sinh ( Nguyên Tác: Chu Hải Lượng – TQ) 

Chị là Oshin – người giúp việc nhà cho một ông chủ ngoại ngũ tuần, rất giàu có. Đêm xuống, xong việc, vội vàng về với đứa con trai nhỏ 5 tuổi suốt ngày ngóng đợi trong căn nhà tồi tàn..
Hôm ấy, chủ nhà có lễ lớn, mời rất nhiều bạn bè quan khách đến dự tiệc đêm. Ông chủ bảo : Hôm nay việc nhiều, chị có thể về muộn hơn không? Thưa được ạ, có điều đứa con trai nhỏ quá, ở nhà tối một mình lâu sẽ sợ hãi. Ông chủ ân cần: Vậy chị hãy mang cháu đến cùng nhé.
Chị mang theo con trai đến. Đi đường nói với nó rằng : Mẹ sẽ cho con đi dự tiệc đêm. Thằng bé rất háo hức. Nó đâu biết là mẹ làm Oshin là như thế nào kia chứ! Vả lại, chị cũng không muốn cho trí tuệ non nớt của nó phải sớm hiểu sự khác biệt giữa người giàu kẻ nghèo. Chị âm thầm mua 2 chiếc xúc xích.
Khách khứa đến mỗi lúc mỗi đông. Ai cũng lịch sự. Ngôi nhà rộng và tráng lệ… Nhiều người tham quan, đi lại, trò chuyện. Chị rất bận không thường xuyên để mắt được đến đứa con nhếch nhác của mình. Chị sợ hình ảnh nó làm hỏng buổi lễ của mọi người. Cuối cùng chị cũng tìm ra được cách : đưa nó vào ngồi trong phòng vệ sinh của chủ… đó có vẻ như là nơi yên tĩnh và không ai dùng tới trong buổi tiệc đêm nay. Đặt 2 miếng xúc xích vừa mua để vào chiếc đĩa sứ, chị cố lấy giọng vui vẻ nói với Con : Đây là phòng dành riêng cho con đấy, nào tiệc đêm bắt đầu! Chị dặn con cứ ngồi yên trong đó đợi chị đón về. Thằng bé nhìn “căn phòng dành cho nó” thật sạch sẽ thơm tho, đẹp đẽ quá mức mà chưa từng được biết. Nó thích thú vô cùng, ngồi xuống sàn, bắt đầu ăn xúc xích được đặt trên bàn đá có gương, và âm ư hát… tự mừng cho mình.
Tiệc đêm bắt đầu. Người chủ nhà nhớ đến con trai chị, gặp chị đang trong bếp hỏi. Chị trả lời ấp úng: Không biết nó đã chạy đi đằng nào… Ông chủ nhìn chị làm thuê như có vẻ giấu diếm khó nói. Ông lặng lẽ đi tìm… Qua phòng vệ sinh thấy tiếng trẻ con hát vọng ra, ông mở cửa, ngây người: Cháu nấp ở đây làm gì ? Cháu biết đây là chỗ nào không ? Thằng bé hồ hởi : Đây là phòng ông chủ nhà dành riêng cho cháu dự tiệc đêm, mẹ cháu bảo thế, nhưng cháu muốn có ai cùng với cháu ngồi đây cùng ăn cơ!
Ông chủ nhà thấy sống mũi mình cay xè, cố kìm nước mắt chảy ra, ông đã rõ tất cả, nhẹ nhàng ngồi xuống nói ấm áp: Con hãy đợi ta nhé. Rồi ông quay lại bàn tiệc nói với mọi người hãy tự nhiên vui vẻ, còn ông sẽ bận tiếp một người khác đặc biệt của buổi tối hôm nay. Ông để một chút thức ăn trên cái đĩa to, và mang xuống phòng vệ sinh. Ông gõ cửa phòng lịch sự… Thằng bé mở cửa… Ông bước vào: Nào chúng ta cùng ăn tiệc trong căn phòng tuyệt vời này nhé. Thằng bé vui sướng lắm. Hai người ngồi xuống sàn vừa ăn ngon lành vừa chuyện trò rả rích, lại còn cùng nhau nghêu ngao hát nữa chứ… Mọi người cũng đã biết. Liên tục có khách đến ân cần gõ cửa phòng vệ sinh, chào hỏi hai người rất lịch sự và chúc họ ngon miệng, thậm chí nhiều người cùng ngồi xuống sàn hát những bài hát vui của trẻ nhỏ… Tất cả đều thật chân thành, ấm áp!
Nhiều năm tháng qua đi… Cậu bé đã rất thành đạt, trở nên giàu có, vươn lên tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Nhưng không bao giờ quên giúp đỡ những người nghèo khó chăm chỉ. Một điều quan trọng đã hình thành trong nhân cách của anh: Ông chủ nhà năm xưa đã vô cùng nhân ái và cẩn trọng bảo vệ tình cảm và sự tự tôn của một đứa bé 5 tuổi như thế nào…


Câu chuyện 2 : Con Vẹt Xanh (Nguyên tác: Thiệu Bảo Kiện – TQ)

Lưu Tư Kinh, là con trai duy nhất của bà mẹ quả phụ nghèo sống ở miền quê thưa người, xa lắc. Anh quyết chí lên thành phố mưu cầu tiến thân để sống tốt và giúp được mẹ già nơi quê nhà. Công việc và những lo toan chẳng bao giờ dứt… Lòng đầy nhớ thương, nhưng chẳng về mà thăm mẹ cho được, dù tháng nào anh cũng dành tiền gửi đều đặn về cho bà… Nhưng có lần trong thư mẹ anh gửi: Con trai ơi… đã quên mẹ rồi sao… Anh đọc thư mà nước mắt lã chã.
Rồi anh cũng đã tạm thu xếp mọi việc về quê thăm mẹ. Lòng tràn ngập hân hoan… Mẹ con lâu ngày gặp lại mừng mừng tủi tủi khôn xiết. Sờ nắn bờ vai con, người mẹ rưng rưng: Con ơi, mẹ nhớ con lắm…! Anh ôm lấy người mẹ dường như héo mòn đi qua năm tháng mà nhòa lệ: Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm…! Lần này con về mang cho mẹ Con Vẹt Xanh mua đắt tiền lắm, con đã nuôi dạy nó lâu… Khi con đi xa nó sẽ ở nhà bầu bạn với mẹ cho đỡ cô quạnh và mẹ cũng thấy con bên cạnh hàng ngày. Mẹ nghe chỉ bảo: Con tốn tiền đến vậy thật không thỏa đáng. Mẹ chỉ muốn thấy con hàng ngày… Anh bảo: Mẹ hãy kiên tâm, đến khi con tích lũy đủ tiền sẽ đón mẹ đi cùng.

Ở nhà được vài ngày, Lưu Tư Kinh chia tay mẹ lên đường trở lại thành phố, lại lao vào làm ăn, phấn đấu. Mẹ già ở nhà một bóng. Con Vẹt Xanh bên cạnh bà, thỉnh thoảng nó lại cất tiếng: Mẹ ơi, con Lưu Tư Kinh đây, con nhớ mẹ lắm… Mẹ ơi, mẹ vất vả quá, nghỉ tay một chút đi mẹ… Mẹ ơi mẹ khỏe mạnh nhé… Bà cảm thấy vui vẻ và ấm lòng hơn rất nhiều. Bà thương quý Con Vẹt Xanh vô cùng, tắm rửa, chăm sóc cho nó, trò chuyện hàng ngày như với con trai mình vậy.
Một năm, bà bị trọng bệnh, sau thời gian ngắn đã qua đời. Hàng xóm đã làm đám cho bà và tìm cách báo cho anh biết. Hẫng hụt, đau khổ, Lưu Tư Kinh dứt bỏ mọi công việc, ngay lập tức lên tàu xe trở về… Căn nhà trống không, vẫn còn mùi hương khói. Lọ tro của mẹ được đặt trên bàn hướng chính giữa. Anh nức nở thương xót mẹ và ân hận vô cùng đã không về chăm sóc và đưa được mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Mệt mỏi và suy sụp, anh ôm tấm ảnh mẹ vào lòng thiếp đi lúc nào không biết. Anh mơ thấy mẹ hiền đang ngôi khâu vá bên anh, mỉm cười, quạt cho anh ngủ, thoang thoảng bên tai anh tiếng nói: Con ơi, mẹ nhớ con lắm… Anh sung sướng muốn nhào vào ôm lấy mẹ! Choàng tỉnh, không có ai xung quanh cả, nhưng tiếng nói : Con ơi, con có khỏe không… Mẹ nhớ con lắm… vẫn từ như rất gần đây đấy vọng đến… Anh đi nhẹ gần đến ban công sát vườn. Tiếng nói phát ra từ đó. Dưới ánh nắng hoàng hôn cuối cùng chiếu qua kẽ lá. Anh nhận ra Con Vẹt Xanh đang đậu trên cành cây! Anh đỡ nó lên tay, nó lại hót : Con ơi, con khỏe không? Mẹ nhớ con lắm… Con Vẹt đã gầy và tả tơi đi quá nhiều. Lưu Tư Kinh ôm con Vẹt vào ngực mình nức nở: Mẹ ơi, con thương nhớ mẹ vô cùng…
Ôi! Mẹ anh trước khi qua đời đã mở lồng thả Vẹt Xanh ra. Nhưng nó đã sống bầu bạn bên cạnh bà bao ngày, dường như thấu được tình cảm của Bà mà không bay đi, vẫn ở lại căn nhà nghèo trống trải này như đợi Lưu Tư Kinh trở về mà nhắn nhủ lời yêu thương của Bà với anh ấy…

Câu chuyện 3 : Bát Mì cuối năm (Không rõ Nguyên Tác – Nhật Bản)

Người Nhật có phong tục đêm cuối năm, trước giờ Giao Thừa, thường cùng gia đình đến một quán mì ưa thích, mỗi người ăn một bát mì truyền thống để cùng nhau ôn cố tri tân.
21h đêm Giao Thừa, quán mì của ông bà Bắc Hải Đình đã hết khách, họ chuẩn bị đóng cửa, chuẩn bị cho lễ Tất Niên của nhà mình… Tiếng chuông gió trước của vang lên, ông ra mở cửa: Một người phụ nữ trung niên với hai cậu bé khoảng 10 và 7 tuổi, trông họ thật lam lũ, ngập ngừng xin phép bước vào. Sau khi xếp cho họ ngồi trước bàn, ông chủ quán chờ đợi. Người phụ nữ bối rối: Ông bà có thể cho ba mẹ con chúng tôi một bát mì được không? Hơi ngạc nhiên, nhưng ông nói vâng, và quay vào dặn bà làm một bát to hơn bình thường đưa lên cho họ. Ba mẹ con cùng chụm đầu vào ăn, xuýt xoa ngon lành. Đứa bé đang ăn ngẩng đầu nhìn mẹ hỏi: Mẹ ơi, liệu năm sau nhà ta có được ăn như thế này nữa không? Người mẹ nhẹ nhàng nói: chúng ta sẽ cùng cố gắng để được như thế nhé! Ăn xong họ lễ phép cảm ơn ra về. Ông bà chủ quán nhìn theo ái ngại...
Một năm qua đi rất nhanh... Lại đến sau 21h Giao Thừa sang năm, ông bà chủ quán dường đã quên, thì lại như năm trước Ba mẹ con líu ríu bước vào như để trốn cái lạnh cắt da bên ngoài. Trông họ tiều tụy hơn, và người mẹ lại xin được phục vụ một bát mì. Ông chủ quán vồn vã, rồi bước vào trong dặn bà làm ba bát mì. Bà phúc hậu nói: Ông ạ, hãy làm một bát như ý họ. Nhưng bà làm để đủ no và ấm lòng cho ba người. Họ ngồi vào chiếc bàn bình dị năm ngoái, ăn rất ngon, vui vẻ dặn dò nhau những việc phải nỗ lực hơn trong năm mới. Xong, người mẹ đứng lên cảm ơn, muốn trả thêm tiền cho bát mì đó, nhưng ông bà ân cần từ chối: Được ba mẹ con đến đây, và nếu quán chúng tôi như là nơi ba mẹ con có thể hưng phấn hơn cho những điều các vị cần cố gắng thì đã là điều thật quý hóa rồi...
Lại thêm một năm nữa. Ông Bà đã đặt lên tấm biển con giữ chỗ trên chiếc bàn đó trong quán, dành cho họ. Nhưng mãi sau 21h không thấy họ quay trở lại... Ông bà có cảm giác buồn trống vắng, khẽ bảo nhau đóng cửa hàng để chuẩn bị Tất Niên... Cứ như thế trong nhiều năm sau đã thành thông lệ, mọi khách hàng cũng biết chuyện mà cảm động, không ai ngồi vào chiếc bàn đó vào đêm Giao Thừa cả và ai cũng có ý vừa nhâm nhi bát mì vừa mong đợi Ba Mẹ Con trở lại…
Rồi lại một cái Tết nữa... Đã quá 21h ông bà chủ quán định nói lời cảm ơn cuối năm với mọi người đang còn trong quán thì tiếng chuông vang lên… Ông ra mở, mọi người nhìn ra theo. Ba người : một phụ nữ lịch lãm và 2 cậu thanh niên tuấn tú khỏe mạnh bước vào. Dường như quen thuộc, họ tiến đến chiếc bàn kia. Ông chủ khiêm nhường nhắc: Thưa, chỗ này đã được dành cho người khác ạ... Họ xin được ngồi ngay bàn sát bên. Ông chủ lễ độ chờ họ gọi. Người phụ nữ ngẩng lên: Xin cho ba chúng tôi Một Bát Mì… Trời ơi… Mọi người đều quay hết về phía họ: Phải chăng các vị là Ba Mẹ Con ngày xưa? Chúng tôi đã mong chờ các vị bấy lâu...
Dạ vâng, là chúng tôi ạ. Chồng và cha chúng tôi bị tai nạn qua đời đã lâu, để lại món nợ rất lớn, chúng tôi đã vô cùng khó khăn nên đã nhiều năm không còn khả năng được ăn mì Tất Niên nữa. Bây giờ mọi điều đã rất tốt đẹp, nên trở lại đây muốn được ăn bát mì như năm xưa, được hưởng tấm lòng của ông bà mà nhờ đó chúng tôi đã thêm được sự ấm lòng để cố gắng vượt qua… Tất cả tràn đầy xúc động đứng lên bước lại quây quần và cung kính cảm tạ lẫn nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét