Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Hẻm Sài Gòn

(Anh Hải Phan cho em cop ti nhe!)

Con hẻm - ở đâu mà chẳng có những con hẻm chứ. Nhưng chỉ có ở Sài Gòn thì từ "con hẻm" mới mang ý nghĩa chân chính của nó vì ở những nơi khác, từ "con hẻm" ít được sử dụng.

Cũng như khi nói về những "phố" như người Hà Nội hay dùng thì người Sài Gòn lại gọi là con đường; từ "hẻm" trong cách nói của người Sài Gòn mang ý nghĩa là một ngõ, một đường có diện tích nhỏ trong khu dân cư cũng…nhỏ. Mà cũng lạ, đường thì cứ nói là đường, sao lại gọi là hẻm ? Mà hẻm thì cứ là hẻm, sao lại là "con hẻm"? Cứ xem đây lại là một cách gọi của người Sài Gòn vậy.

Hỏi một đứa bạn mới quen "Nhà mày ở đâu?" – Nó nói "Ở đường XXX, chạy tới cái ngã ba, quẹo dzô hẻm nho nhỏ, thấy cái… là tới." - Người chị gọi đứa em "Nhóc con, chạy ra đầu hẻm mua cho chị…" Xem ra cái từ "hẻm" nó thân thuộc với người dân Sài Gòn lắm. Với tôi, "con hẻm" đi vào trong sự nhận biết với những hàng quán nho nhỏ bán ngay đầu hẻm và những lời nói của gia đình, bè bạn. Hồi còn nhỏ, nhà tôi ở ngay khu Đoàn Thị Điểm gần ngã tư Phú Nhuận. Nhớ khi đó, đi vào trong là những con hẻm song song đối diện nhau kéo dài cả đoạn đường, gọi là từng lô từng lô theo bảng chữ cái như: lô A, lô B, lô C,…. Đám con nít tụi tôi thì chơi theo từng lô riêng với đủ trò chơi. Nói chuyện với nhau, không đứa nào nói "Mày chạy ra đầu lô, cuối lô…" mà nói "Mày đứng ở đầu hẻm…" – "Nhà tao ở cuối hẻm…" Các bậc phụ huynh ở nhà cũng vậy, ở cùng chung một xóm, chuyện nhà này nhà kia cũng biết, thế là có bàn tán thì cũng "Nhà bà A cuối hẻm, nhà bà B đầu hẻm…". Cái từ "hẻm" đi vào tôi như vậy đó. Nó còn đi một cách êm ái hơn là qua đường bao tử với những hàng quán thức ăn bán… "đủ thứ" nơi đầu hẻm thường là vào buổi sáng và buổi tối.

Đã gọi là hẻm thì ưu tiên hàng đầu của nó phải là… nhỏ, có khi là nhỏ xíu luôn, nhỏ chỉ vừa cho một người một xe đi vào. Ưu tiên thứ hai là nhà cửa phải san sát nhau, nhà này núp bóng nhà kia, nhà kia "che chở" nhà này. Thường thì ở những khu dân cư mới, con hẻm không giống như "hồi xưa" vì sạch sẽ quá, rộng quá. Con hẻm chuẩn mực ở Sài Gòn phải là nơi mà sáng sáng mở cửa ra là đụng mặt nhau, trưa thì vắng lặng với nắng nóng, thi thoảng có tiếng rao hàng của người bán dạo vang lên từ đầu đến cuối hẻm, và chiều tối là bóng dáng của bọn con nít rủ nhau ra chơi trong xóm, và là cả… tiếng cãi nhau từ trong nhà này vẳng sang đến nhà kia để rồi cả : "bu lại coi, người này một tiếng khuyên, người kia bàn tay cản"… Tôi nhớ (lại nhớ) vào những ngày tôi còn nhỏ, trong con hẻm nhỏ không dài hơn 40m với những hộ nhà đối mặt nhau, tiếng ồn ào của riêng từng nhà, từng nhà đã trở nên thân thuộc lắm, chẳng lạ lẫm gì. Ngày đó, bọn con nít trong xóm, hay bày trò mà chơi cùng nhau, những trò chơi như năm-mười, keng, rượt bắt, S-top,… và cả những bữa tiệc nho nhỏ vào dịp Trung Thu mà những anh chị lớn hơn lại từng nhà xin phép cho bọn nhóc nhỏ.

Có người nói "Những con hẻm ở Sài Gòn chắc chắn có hồn hơn những con đường lớn. Hẻm Sài Gòn dài và tương đối rộng, cởi mở bùng nhùng vô số ngách. Nó đậm đặc cái chất lam lũ nhiều hảo hớn bởi có đông dân lao động chiều chiều cởi trần ngồi nhậu trong các quán rượu cóc phảng phất Thủy Hử". Có lẽ đúng. Cái "cởi mở bùng nhùng vô số ngách" ấy cũng là đặc trưng của các con hẻm Sài Gòn. Bước chân vào một con hẻm, rồi từ con hẻm đó lại đâm ngang ra một con hẻm khác, nhỏ hơn, ngoằn ngoèo hơn; rồi lại từ đó đi ra những con hẻm khác, luồn lách quanh co mà bé xí xi…

Vào Sài Gòn, đi dạo trên đường phố Sài Gòn, sao để nhận ra được một con hẻm ? Hãy nhìn vào một hoặc hai mé bên đầu hẻm, bạn sẽ thấy… một xe bánh mì hoặc nước mía. Xe bán bánh mì cũng như là một dấu hiệu nhận biết của con hẻm vậy với sự hiện diện gần như là nơi nào cũng có của nó nơi mỗi đầu hẻm trên đường phố Sài Gòn. Chiếc xe bán bánh mì nho nhỏ đó chẳng bao giờ nằm chỏng chơ giữa đoạn đường mà phải nằm đúng vị trí của nó là ngay trước đầu mỗi con hẻm, hay cuối con hẻm này và đầu con hẻm khác.

Con hẻm ở đất Sài Gòn có khi dài, hẹp, uốn cong nhiều đoạn với tiếng ồn ào, có khi lại yên ả giữa lúc buổi trưa với những gian nhà san sát, chẳng đâu giống đâu, nhưng dù là "con hẻm" của người Hoa, hay Kinh chắc chắn con hẻm ở Sài Gòn không hề giống "ngõ" ở Hà Nội hay những đọan đường làng ở các vùng quê… Con hẻm ở Sài Gòn, chỉ có ở Sài Gòn mới có mà thôi.

Những con hẻm ấy, cứ theo mật độ đô thị hóa của Sài Gòn, có lẽ sẽ dần dà mất đi. Nhưng, hình ảnh những con hẻm nhỏ vẫn còn đâu đấy trong lòng người dân Sài Gòn. Ở với những con hẻm, về và sống với những con hẻm nhỏ quanh co, chằn chịt như mạch máu của Sài Gòn ấy, như một người nói, là về với cái chân chất thật thà của chính con người Sài Gòn, về với cái tình cảm xóm giềng chảy trôi trong máu thịt của mỗi con người Việt Nam, thứ tình cảm xóm giềng mà dù đi bất kỳ nơi đâu trên thế giới này cũng không tìm thấy được. Ở đó là những sự nương tựa chung đụng sống cùng nhau, sống cùng cái tốt lẫn cái xấu của nhau một cách chân thật trọn vẹn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét