(Xuli oi, cho copy bai nay nhe!)
Người
viết bài viết này là một cô gái còn rất trẻ mê hội họa. Với cô, những
nhát cọ, những bức tranh là tất cả những đam mê, mà không, còn hơn cả
đam mê, phải gọi đó là tình yêu mới đúng… Cuộc sống với cô, chỉ là đi và
vẽ…
Thường khi ngồi rỗi là nghĩ đến người này
người kia. Lên xe bus thì chẳng còn nghĩ ngợi được gì nữa. Lúc nhắm mắt
thì chỉ có một câu hỏi nhảy Rap trong đầu "Bao giờ thì đến nơi". Thảng
hoặc mở mắt ra thì ước lượng xem đoạn đường này còn cách trường bao xa.
Nhiều khi nghĩ trong triết lý Thiền, người ta luôn muốn đạt được trạng
thái không cần phải cố gắng nữa. Nhưng để đạt được trạng thái đó, cần
phải cố gắng đến tận cùng. Ngồi trên xe bus là một sự cố gắng, chưa phải
tột cùng, nhưng cũng là khủng khiếp. Giá mà ngồi mãi như thế, đột nhiên
vào một ngày ta nhập thiền chỉ 5 phút, 5 phút thôi cũng đã là hạnh
phúc. Một ngày không nắng, không mưa, không nghĩ suy, không những câu
hỏi nhảy Rap, không chán ốm vì cái mùi xe + máy lạnh khăn khẳn, không cả
những buồn vui lẫn lộn nhàu nhĩ.
Xe cộ chạy ngời ngời trên phố,
nhà cửa kìn kìn vụt qua tai. Gã ngồi cạnh bên nghếch chéo chân. Gã sở
hữu một đôi mi cong vút, một cái túi bố đẹp, một cái vòng tay xỉn khè,
một đôi dép xỏ ngón La Mã có ngón chân luôn ngọ nguậy. Gã bất chợt quay
nghiêng - bắt gặp ánh nhìn soi mói - khuôn mặt lạnh và xương... từ từ
chạm hình một cú nhếch môi. Nụ cười ấy hàm nghĩa gì?! Chợt một câu hát
cũ vang lên trong đầu: "Ta thấy em trong tiền kiếp... khi rừng chiều đổ
mưa...".
Thầy bảo là phải vẽ như một thói quen, đi đâu, làm gì,
thấy hay thì vẽ ngay. Chính từ những thứ ấy sau này sẽ tạo cảm xúc.
Không cần vẽ những thứ quá rối rắm, hay gán ghép cho nó một ý tưởng cụ
thể... Chỉ một ngón chân ngồ ngộ, hay một bông cỏ dại mọc ven đường.
Thằng
Q bảo nó học cái trường này những 11 năm, chẳng thu lượm được gì. Cái
trường này chẳng dạy được gì cho nó. Nghề này nó thế bạn ạ, không phải
anh học từng ấy năm ra là chắc chắn có một nghề trong tay. Sẽ có kẻ như Q
cảm thấy chới với, nhưng cũng có khối anh làm được việc. Nếu cảm thấy
sai đường rồi thì quay ngay đi, chọn hướng khác mà bước cho êm đềm...
Nghệ thuất nói chung và hội hoạ nói riêng, có một đặc thù là không phải
anh cứ học nhiều, anh vẽ khéo là anh có tài. Nhưng người ta buộc phải
học để từ quy luật tìm ra cảm xúc. Có những bức tranh ở trong trường cho
là đẹp, ra ngoài không cách gì bán được, và ngược lại. Cũng có những
anh đi chệch khỏi quy luật, nhưng lại là thiên tài, đừng nghĩ những anh
ấy không học, mà trái lại, họ rất siêu về các nguyên tắc. Thử nghe câu
thơ này của Nguyễn Bính nhé…
"Anh đi đấy, anh về đâu (?! )
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm..."
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm..."
Rõ ràng là một câu không có
động từ, văn như thế cho bao nhiêu điểm? Nhưng mà nó rất hay. Không có
động từ nhưng cái nhịp điệu lại tạo cho ta cảm giác cánh buồm trôi xa
dần, xa dần, và rồi mất hút....
Người hoạ sĩ muốn tác phẩm của
mình có sức hút phải quan sát, phải dùng cái đầu để phát hiện ra những
tinh tế trong cuộc sống, truyền nó vào nét cọ, ra cảm xúc. Có nghe bài
"Nhìn những mùa thi đi" của Trịnh chưa? Có một câu rất hay như thế này: "Chiều tím loang vỉa hè...". Nghe một câu thế thôi mà ta cảm nhận được một buổi chiều vàng đẹp ma quái.
Cái vàng lan toả khắp không gian nhưng ẩm và không chói. Vì sao? Vì màu tím...
Trong
quy luật của hội hoạ có 3 cặp màu đối đỉnh: đỏ - xanh lá, vàng - tím,
lam - cam. Hễ ánh sáng đỏ (nóng) thì cho bóng đổ xanh lá (lạnh). Hễ ánh
sáng vàng thì tạo bóng ngả tím. Vận dụng những quy luật ấy vào trong
tranh sẽ tránh được tình trạng đơn màu. Làm được điều ấy rất khó, khó
lắm. Nhạc sĩ Trịnh chưa chắc đã vận dụng vốn kiến thức về hội hoạ vào
bài hát, mà biết đâu, ông cảm nhận điều đó từ chính thực tế cuộc sống,
từ cảm nhận sâu sắc, tinh tế của mình về thiên nhiên.
Cũng quy
luật về màu bảo rằng 3 màu lam, đỏ, vàng có thể pha ra tất cả các màu,
kể cả trắng và đen. Không tin ta thử nhé. Pha lam và đỏ ra tím, cộng một
ít xíu vàng ra đen. Màu trắng khó hiểu hơn một chút, để dễ hình dung,
ta tưởng tượng đến 3 ánh đèn pha cực mạnh đại diện cho 3 màu ấy rọi vào
nhau. Một người đi giữa 3 luồng sáng ấy sẽ trở thành vô hình.
Buổi chiều ngồi trên bờ sông nhìn ra
phía xa thật là dễ chịu. Những đám lục bình trôi vô định cũng như những
đám mây trên nền trời lơ đãng bay... Mọi sự vật tồn tại trên cõi đời
này đều có lý do của nó. Nếu như đứng giữa 2 luồng sáng giao nhau thì
chính bản thân ta không tồn tại, vậy chẳng phải mọi thứ đều là ảo ảnh
hết sao? Những ký ức lần lượt dựng hình trong tâm tưởng. Những khuôn mặt
trôi vụt qua. Những nụ cười thấp thoáng tắt. Ảo ảnh của ký ức là thực,
hay bản thân con người đó là thực? Gương mặt nào đọng lại, và những hình
hài nào sẽ tan đi?! "Tất cả những đường vô tận trong không gian sẽ nằm
trong mặt phẳng vô tận của không gian". Bầu trời đêm đầy sao chính là
nó, và vạn vật trong không trung cũng là nó. Giây phút kỳ diệu nhất là
khi ta bỗng thấy mình hoá thành ảo ảnh...
Thường thì con người
hay tự đánh giá thấp hơn khả năng thực sự mình có. Nghĩ là mình không
làm được, hoặc tự gán ghép là nó không phù hợp... Cái đó là lý thuyết,
mang những thứ ấy ra an ủi giờ này chẳng thú vị gì đâu, thực sự là mình
bất lực khi không truyền tải được một phần nào đó ý nghĩ vào tranh.
Loay hoay không biết phải thể hiện như thế nào cho phải... Cảm giác bất
lực trước giá vẽ thường xuyên trở lại, chán nản và mỏi mệt với chính bản
thân, khi nhìn những thành công khác... Một chút cuồng vọng của ngày đã
qua không đủ làm ấm bầu nhiệt huyết lên thành nỗi say mê....
Mỗi
một ngày mới bắt đầu là một niềm hy vọng nhen nhúm, nhưng có ai biết
rằng khi mỗi ngày tắt đi có một kẻ muốn chạy trốn khỏi những giày vò của
đam mê... Nói mãi những từ kinh điển như thế này nghe hơi sáo rỗng,
nhưng tại sao ta luôn quay quắt với chuyện nghề và nghiệp....
Nude
1, 2, 3, 4, 5... bồng bềnh, vàng, trắng, xanh, đỏ,... gam màu ấy thật
nhẹ, trôi... Núm hồng vơ vẩn bay... một cuộc tình thoáng.... một cánh
chim hạc trơ mình trong không gian... Cái đó chỉ là sự nghiêng mình
trước cái đẹp, còn lại thì không... Thật không? Rung cảm nào là thật và
rung cảm nào chỉ là sự ngưỡng vọng?
Quay đi... tìm được gì trong
ấy? Hay đọng lại chỉ là sự chông chênh tự chuộc lấy... Có ai như mày
không, tự chuốc lấy nỗi khổ vào thân... Một đằng là bước nhẹ nhàng, một
đằng là gai và mờ mịt...
Chữ ký? Nó làm sao ấy nhỉ? Đừng khẳng
định cái tôi nhiều trong ấy quá, nhỏ thôi, nhẹ thôi, nhưng nó phải góp
phần vào bố cục tranh, đừng để nó là một cục ghẻ... Ồ, hơi thô thiển
một chút, nhưng thật đấy, một lời góp ý chân thành. Đừng để người ta
nghĩ đấy là một sự cẩu thả... buồn... buồn ơi là buồn... thể hiện mình
khó lắm nhé...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét