Xuân qua, Hạ đến, Thu về, Đông tàn, cứ thế bốn mùa
trôi một cách vô tình và con người cũng vô tình buông trôi đời mình
theo giòng sống nghiệp định.
Cuộc sống xã hội đã lôi cuốn nhân sinh, nhưng nhân
sinh cũng bị tạp niệm, sở dục lôi cuốn như hình với bóng. Chỉ có bậc
Tỉnh giác mới biết dừng chân và làm chủ hành nghiệp. Bậc Tỉnh giác cũng
ăn cũng uống, cũng ngủ nghỉ, mọi sinh hoạt bình thường như mọi người, và
đặc biệt tâm của hành giả rất bình thường mà mọi người đời thường cứ ngỡ là mình bình thường trong khi bị lôi kéo những cái không bìmh thường.
Nhân sinh bị nghiệp quả chi phối quá bình thường, cọng
thêm hành nghiệp sở dục hiện tiền lôi kéo, đời người như xe theo vết
chân trâu, cứ năm tháng như thế chúng ta có cảm tưởng bình thường, nhưng
dưới nhãn quan của các bậc Đại giác, chuyện đó, tâm hành đó không bình thường!
Từ những tâm không bình thường, cọng theo quyền lực,
địa vị cỏi vô thường, tác động đời sống chung quanh như cơn sóng nhồi,
tham vọng. sân hận khởi lên, cuốn trôi, xô đẩy xã hội vào cơn đại loạn.
Pháp luật, nội quy, luật định chỉ là hàng hàng rào ngăn chận sự quá đà
của tâm hành tư dục. Cá nhân bị cản bởi rào chắn đó, giảm bớt tệ nạn làm
hại xã hội; quan chức nhờ rào chắn đó, giảm được tầm nhũng hại lương
dân; Tuy nhiên, tâm người không đơn giản, như lươn rắn luồn lách thiên
hình vạn trạng, rồi con người lại cũng làm khổ mình, khổ người bởi thất
tình lục dục vốn tiềm ẩn trong ta.
Vợ làm khổ chồng, chồng sát hại vợ, dân phạm pháp quy,
quan chức lạm quyền cậy thế bức hiếp dân đen; chức sắc tôn giáo vượt
qua giới luật…Những cái bình thường đó, đều là những đợt sóng xô đẩy
cuộc sống vào chỗ không bình thường, nên gọi là vô thường, cũng bởi xuất
phát từ tâm không bình thường. Các bậc Đại giác, các Thánh nhân, do tâm Bình thường
mà cuộc sống các ngài rất an lạc, nguồn an lạc toả sáng cho cuộc sống
chung quanh; chúng sanh nơi trụ xứ của các ngài cũng hưởng được nhiều
phúc lạc. Do tâm không bình thường mà nhân sinh cảm thấy khổ đau chồng
chất, người tỉnh ngộ tìm đến tín ngưỡng, tôn giáo mong có lối thoát; mỗi
tôn giáo có một phương cách, ngắn hạn, dài hạn đều là phương tiện vượt
qua khổ ải. Vượt qua khổ ải mà vẫn không trốn chạy chối bỏ hiện thực,
nghĩa là chuyển hoá hiện thực, cho dù khổ đau, thành an lạc. Bồ Tát vào
đời cũng từ hạnh nguyện chuyển hoá khổ đau, bất toàn của cuộc sống,
thay vì các ngài an hưởng thành quả đạo giác nơi Cực lạc. Dù Bồ Tát quả
hay Bồ Tát hạnh, đều mang tâm nguyện lợi ích cho nhân sinh; Xây cầu, làm
đường, mổ mắt từ thiện, bố thí phần ăn, giúp kẻ cơ nhỡ, cứu tế xã hội,
trợ giúp thiên tai…đều là việc làm từ tâm nguyện Bồ Tát, hà huống đấu
tranh cho công bằng, bình đẳng, hy sinh thân mình làm ngọn đuốc để cảnh
tỉnh một chế độ mà gọi là sân si như lời giảng của một bậc Tôn túc chức
sắc trong Phật giáo hiện tại! ( giác ngộ số 502, ngày 12/9/09)
Vả lại, hạnh nguyện là một lẽ, diệt trừ vô mình là một chuyện. Hạnh
nguyện từ bi trợ giúp cuộc sống là nền tảng phước báu, diệt trừ vô minh
là công hạnh đưa đến Tuệ giác. Đức Phật thường bảo một hành giả cần đủ
Phước Huệ song tu như chim có đôi cánh; Nếu chỉ tu Huệ mà không tu phước
như cây mọc trên nền đá, thiếu duyên hoá độ chúng sanh; nếu tu phước mà
bỏ huệ thì phước báu hữu lậu càng chìm đắm trong vô minh, tiếp tục trôi
lăn vào sanh tử. Trên đạo lộ chuyển hoá vô mình cũng gian nan không
kém, vô minh chập chùng ngàn đời thì diệt trừ cũng phải có thứ lớp công
phu. Diệt phần nào vô mình thì trí tuệ và an lạc phát sanh ngay phần
đó. Nhưng người phá được một phần vô minh không hẳn đã trở thành La Hán,
vì quả vị La Hán không còn trở lại luân hồi tử sanh, thì những phần vô
minh còn lại chưa phá sạch đem theo vào cỏi Tịnh ư? “…Người phá được
một phần vô minh là La Hán,phá được hai phần vô minh là Bích Chi Phật,
phá được nhiều hơn nữa là Bồ Tát và phá được hoàn toàn vô minh là Phật…”( G.N 502 tr.13)Vô minh trùng điệp hơn dãy Trường sơn, biết thế nào diệt được một phần để trở thành La Hán?
Quả vị của tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng chỉ là tạm phân định như Hoá Thành Dụ của Pháp Hoa, biểu hiện từng công đoạn trong tâm thức chuyển hoá, chung cuộc chỉ là Phật tánh viên dung của mọi chúng sanh. Chính vì lý tưởng đó mà cho phép chúng ta vững tin vào thân phận làm người có đủ khả năng thăng hoa, khi được thăng hoa, hành giả phải hỗ trợ cho cuộc sống chung quanh cùng tiến hoá bằng nhiều phương cách, thuận duyên, nghịch duyên, mềm mỏng, cứng rắn, từ cá nhân đến gia đình, xã hội, quốc độ.
Như vậy thân phận con người không chỉ là sanh ra lớn lên để bị lôi cuốn vào giòng đời rồi tự mình đeo mang sầu khổ, tạo thêm nhân xấu tiếp tục trôi nổi theo vô thường, mà con người là một thân phận ưu việt trong cỏi ngũ thú đồng cư, có đủ năng lực tự chuyển hoá và chuyển hoá ngoại cảnh, biến cỏi tạp thành cỏi Tịnh, cuộc sống cho dù xã hội thế nào vẫn là cuộc sống nhiều diễm tuyệt đang có trong ta. Một Thánh nhân từng nói: Thánh nhân nào cũng có quá khứ, tội phạm nào cũng có tương lai , đó là mấu chốt cho thân phận con người hy vọng vững tiến. Đừng nên mặc cảm vì một giai đoạn hy sinh để cảnh tỉnh giúp đời mà nghĩ là sân si, vâng, cùng một hành động, nhưng phàm tục vì quyền lợi cá nhân mà sân si thịnh nộ, nhưng hành giả mang tâm hạnh Bồ Tát cho dù bỏ xác để lợi ích cho nhân quần, không thể xem đó là hành động sân si như kẻ phàm tục.
Cho dù đất nước văn minh tiến bộ hay quốc gia nghèo đói, hình thức có khác nhau, nhưng tâm hồn và khả năng chuyển hoá giống nhau. Có cảm nhận vui buồn sướng khổ là đều có khả năng chuyển hoá như nhau. Đẳng cấp, thân phận, địa vị trong xã hội thể hiện nghiệp duyên, phước báu, y báu của mỗi cá nhân, nhưng không vì thế những cá thể đó không có tính đồng đẳng. Đức Phật từng nói: không có giai cấp trong giòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn. Do tính đồng đẳng đó mà con người đều có giá trị tuyệt đối ngang nhau.
Thân phận con người chỉ là thể hiện mặt nổi trong xã hội khi phước báu bất đồng đẳng, nhưng giá trị tâm linh và khã năng chuyển hoá đã cho con người một hy vọng trong tầm tay. Hãy bắt đầu với hiện tại, đừng phủ nhận mọi quá khứ, cho dù tốt hay xấu, đó chỉ là vết chân loang lổ của cuộc hành trình giữa bóng hoàng hôn, mà bên kia là ánh dương Bình minh đang chờ đợi. Như vậy thân phận con người không phải là một cái gì bất toàn kinh tởm mà là một báu vật đáng trân quý, đừng phí phạm một kiếp người để phải than vãn bi thương.
Địa vị, chức sắc, danh vọng…chỉ là chiếc bóng chập chờn trên mặt nước cho cá đớp mồi sớm vào lưới thương đau. Ai cũng hơn một lần sai phạm trong cuộc sống, nhưng không vì thế mà bi quan. Thân phận con người không phải là cá, không phải bất cứ cái gì mà cuộc sống cho là khổ đau tệ hại, nó là nhánh hoa hé nụ nếu ai đó biết tự mình trở lại với khả năng chuyển hoá của chính ta, lúc đó, hoa cười giữa bảo tố, nhạc reo giữa cỏi không.
Ôi vinh hạnh được làm thân phận con người!!!
THẦY MINH MẪN 25/9/09
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét